Trung Quốc khởi công siêu đập thủy điện ở Tây Tạng

Thủ tướng Lý Cường hôm nay tham dự lễ khởi công công trình ở Lâm Chi, Tây Tạng. Trung Quốc phê duyệt dự án vào tháng 12 năm ngoái trên con sông được biết đến với tên Nhã Lỗ Tạng Bố ở Tây Tạng và Brahmaputra ở Ấn Độ. Công trình nhằm phục vụ mục tiêu trung hòa carbon cùng các mục tiêu kinh tế khác của Bắc Kinh tại Tây Tạng.
Khi hoàn thành, con đập này có thể lớn hơn đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở miền trung Trung Quốc. Dự án gồm 5 nhà máy thủy điện với tổng vốn đầu tư lên đến 167,1 tỷ USD.
Công trình có thể sản xuất gần 300 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện hàng năm, gấp hơn 3 lần đập Tam Hiệp, hiện nay có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới là 88,2 tỷ kWh.
"Điện tạo ra chủ yếu sẽ được truyền tải đến các khu vực khác để tiêu thụ, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện tại địa phương", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua hôm nay viết.
Dự án có khả năng tác động đến hàng triệu người dân ở hạ lưu thuộc Ấn Độ và Bangladesh. Ấn Độ hồi tháng một cho biết họ đã bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về dự án ở Tây Tạng, lưu ý rằng sẽ "giám sát và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình".
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, họ đã thúc giục Trung Quốc "đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ nguồn sông Brahmaputra không bị tổn hại bởi các hoạt động ở khu vực thượng nguồn".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó trấn an dự án sẽ không có bất kỳ "tác động tiêu cực" nào đến hạ lưu, đồng thời thêm rằng nước này "sẽ duy trì liên lạc với các quốc gia ở hạ lưu sông".
Ngoài những lo ngại liên quan đến khu vực hạ lưu, các nhà môi trường cũng cảnh báo về tác động không thể đảo ngược của các siêu dự án như vậy đối với cao nguyên Tây Tạng vốn nhạy cảm về mặt sinh thái.
Vũ Hoàng (Theo AFP)