Trung Quốc hoàn thành công trình chưa từng có: Mang 10.000 toà tháp ra giữa "biển chết", trải dài hơn 4.000 km, đưa công nghệ lên tầm cao mới

Hệ thống "vòng tròn năng lượng" ở Tân Cương dự kiến sẽ đi vận hành vào tháng 11 năm nay, với lưới điện siêu cao thế lớn nhất Trung Quốc.
Sau 15 năm thi công trong điều kiện khắc nghiệt, Trung Quốc vừa hoàn tất công trình "vòng tròn năng lượng" siêu cao thế bao quanh bồn địa Tarim - khu vực hoang vu và khó tiếp cận bậc nhất thế giới, nằm trong khu tự trị Tân Cương. Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực biến khu vực sa mạc rộng lớn này thành một trung tâm truyền tải năng lượng mới của quốc gia.
Theo CCTV, dự án dài 4.197 km này đã chính thức được "khép kín"vào ngày 13/7, sau khi đoạn cuối cùng, nằm ở rìa nam sa mạc Taklamakan, được hoàn thành. Hệ thống dự kiến sẽ vận hành vào tháng 11/2025, trở thành vòng lưới điện siêu cao thế (750kV) lớn nhất Trung Quốc.
Taklamakan - vốn được mệnh danh là "biển chết", chiếm khoảng 60% diện tích bồn địa Tarim. Khu vực này nổi tiếng với những cồn cát di chuyển không ngừng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và hạ tầng giao thông hầu như không có. Bởi vậy, đây là thách thức cực lớn đối với bất kỳ dự án xây dựng nào.
Lý Tuấn, quản lý dự án thuộc Chi nhánh Xây dựng của Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc tại Tân Cương, chia sẻ với CCTV: "Các phương tiện hạng nặng không thể di chuyển do không có đường và nguy cơ sa lầy trong các hố cát là rất cao. Chúng tôi buộc phải xây dựng đường vận chuyển vật liệu song song với tuyến truyền tải, dùng vải thấm nước để cố định nền cát."
Không chỉ đối mặt với những rủi ro ở địa hình sa mạc, dự án còn vượt qua nhiều địa hình hiểm trở khác, như rừng dương sa mạc, đầm lầy hồ Taitema, núi Côn Luân ở phía nam và dãy Thiên Sơn ở phía bắc. Tại những khu vực núi cao hiểm trở, công nhân phải thiết lập hệ thống cáp treo để vận chuyển khoảng 3.000 tấn vật liệu xây dựng tháp điện.
Dọc theo các tuyến tháp điện đã hoàn thành, nhóm thi công còn tiến hành trồng lưới cỏ chống cát bay, một kỹ thuật được Trung Quốc áp dụng rộng rãi tại các dự án kiểm soát sa mạc khác, bao gồm vành đai xanh dài 3.050 km quanh sa mạc Taklamakan và các tuyến hành lang chắn cát tại khu tự trị Nội Mông.
Hạ tầng truyền tải mới này bao gồm gần 10.000 toà tháp truyền tải và 9 trạm biến áp, đóng vai trò thu gom và điều chỉnh điện áp từ nhiều nguồn năng lượng tái tạo, gồm năng lượng mặt trời, gió, nhiệt điện và thủy điện, trước khi truyền đi phục vụ tiêu dùng và kết nối lưới điện quốc gia.
Theo Tân Hoa Xã, lưới điện mới bao phủ diện tích hơn 1,06 triệu km², trải dài qua 5 địa khu thuộc Tân Cương. Trước đây, khu vực Tarim chỉ có lưới điện 220kV, với khoảng cách truyền tải tối đa 300 km và công suất khoảng 300.000 kW. Với hệ thống mới, khoảng cách truyền tải được tăng gấp đôi, công suất gấp 10 lần, lên đến 3 triệu kW.
Điều này không chỉ đảm bảo nguồn cung ổn định cho khu vực phía nam Tân Cương, mà còn giúp kết nối với các lưới điện khu vực khác, phục vụ truyền tải năng lượng đi xa hàng nghìn km. Hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng tuyến truyền tải thứ cấp, mở rộng kết nối đến tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc và tỉnh Tứ Xuyên ở phía nam.
Đáng chú ý, hơn 50% tổng công suất điện lắp đặt tại Tân Cương hiện nay đến từ nguồn tái tạo, một phần quan trọng trong chiến lược năng lượng sạch của Trung Quốc.
Theo SCMP