Trung Quốc áp dụng nhiều giải pháp khuyến khích đổi sang xe điện

Khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện và xe đạp điện từ lâu đã trở thành một phần trong chiến lược phát triển giao thông xanh, giảm phát thải và xây dựng thành phố thông minh tại Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đã bắt đầu thực thi chính sách hạn chế và tiến tới cấm xe máy chạy xăng thông qua các quy định cụ thể, đi kèm với các biện pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe đạp điện/xe máy điện.
Căn cứ để đưa ra các quy định và biện pháp hỗ trợ là Luật Giao thông đường bộ, vốn cho phép các địa phương có thể căn cứ tình hình giao thông và môi trường cụ thể để thiết lập những hạn chế đối với một số loại phương tiện trong những khung giờ hoặc khu vực cụ thể.
Cụ thể, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Nam Ninh đã thiết lập các quy định chi tiết nhằm kiểm soát nghiêm ngặt xe máy bằng cách thiết lập các vùng cấm (vành đai, nội thành, vành nhanh), cấp biển số xe theo thể loại và ban hành các biện pháp xử phạt như phạt hành chính, tịch thu tạm thời hoặc tịch thu vĩnh viễn các phương tiện vi phạm.
Bắc Kinh là địa phương đầu tiên đưa ra các quy định về kiểm soát và hạn chế xe máy chạy xăng. Ban đầu, Bắc Kinh hạn chế số lượng xe máy hai bánh tại một số khu vực trong thành phố, đặc biệt ở khu vực nội thành vốn bị quá tải; đồng thời tạm dừng cấp biển số xe máy hai bánh tại 9 quận trung tâm và giới hạn đăng ký tại vùng ven. Các xe máy chỉ được đăng ký khi đáp ứng đủ các yêu cầu như có hóa đơn mua xe, giấy bảo hiểm hợp lệ, chủ xe có đăng ký hộ khẩu tại địa phương hoặc có chứng nhận tạm trú. Ngoài ra, xe phải đạt yêu cầu về kiểm định kỹ thuật. Những xe ở ngoại thành và các tỉnh khác không được đưa vào các quận trung tâm.
Tiếp đó, Bắc Kinh thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt hơn như cấm xe máy biển ngoại tỉnh lưu thông trong vùng Vành đai 3 (không bao gồm tuyến nhánh). Mức xử phạt đối với người vi phạm là khoảng 100 NDT (3,7 triệu VNĐ), đồng thời trừ 3 điểm trong bằng lái. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng ban hành quy định về thời hạn sử dụng xe máy. Những xe đã đăng ký từ 8 năm trở lên bắt buộc phải báo cáo và đi kiểm định. Xe nào không vượt qua kiểm tra kỹ thuật hoặc vượt ngưỡng khí thải cho phép thì không được lưu hành. Những xe đáp ứng tiêu chuẩn cũng chỉ được gia hạn tối đa 3 năm.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng chính thức bãi bỏ xe mô tô trong đội danh dự như đội hộ vệ quốc khách, đồng thời cấm hoàn toàn xe ngoại tỉnh lưu thông trong Vành đai 4 (không tính đường nhánh) trước khi mở rộng đến Vành đai 6 (không bao gồm đường nhánh).
Song song với đó, Bắc Kinh cấm sản xuất, mua bán và sử dụng các loại xe máy, xe ba bánh, bốn bánh và áp mức phạt lên đến 3 - 5 lần giá trị xe nếu phát hiện vi phạm, đồng thời thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp. Chính quyền Bắc Kinh cũng đưa ra dự thảo về quản lý xe máy, cụ thể hóa các quy định cấm xe máy lưu thông 24/24h trong các tuyến đường trọng yếu.
Ở Thượng Hải, mặc dù thành phố này chưa cấm toàn bộ xe máy nhưng cũng đã triển khai chính sách vùng kép kết hợp với việc kiểm soát các biển xe một cách nghiêm để hạn chế các phương tiện hai bánh gây ô nhiễm. Quy định tập trung vào các khu vực đô thị trọng điểm và giao thông chính, là những nơi dễ xảy ra ùn tắc và tai nạn.
Nam Ninh cũng là điển hình của một đô thị từ “thành phố xe máy” tiến dần đến “thành phố không xe máy” trong vòng 13 năm (2002 - 2015). Tuy Nam Ninh vẫn có sự linh hoạt nhất định trong trong các công vụ đặc biệt nhưng việc kiểm soát chung được tiến hành rất nghiêm ngặt ở khu vực nội thành để giảm ùn tắc, ô nhiễm và tai nạn. Thành phố này tạm dừng đăng ký xe mới và cấp biển số cho xe máy dân dụng trong nội thành từ năm 2002, áp dụng quy định về niên hạn sử dụng tối đa là 10 năm và có thể gia hạn thêm 3 năm nếu xe đạt kết quả kiểm định kỹ thuật.
Ngoài ra, Nam Ninh cũng hủy toàn bộ giấy phép kinh doanh, vận tải, vận hành xe máy dân dụng, đồng thời cấm hoàn toàn xe máy lưu thông trong các vành đai nhanh trong nội thành, áp dụng lần lượt từ xe ngoại tỉnh, xe ở các huyện ngoại thành đến toàn bộ xe máy trong thành phố, ngoại trừ các xe chuyên dụng phục vụ công ích như cứu hộ khẩn cấp, công vụ, tuần tra hay một số trường hợp ngoại lệ khác.
Việc cấm xe máy trong nội đô các thành phố Trung Quốc là một chính sách chiến lược tổng thể, có lộ trình, hỗ trợ rõ ràng và mang lại hiệu quả thực tiễn cao. Chính sách này không chỉ giúp các đô thị Trung Quốc giải quyết bài toán ô nhiễm và giao thông mà còn góp phần thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, tạo động lực cho nền kinh tế xe điện, một trong những trụ cột chiến lược của Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, để đạt được thành tựu trên là cả một quá trình lâu dài, chiến lược cụ thể và hành lang pháp lý rõ ràng.
Để giải quyết vấn đề trên, Trung Quốc đã ban hành Chiến lược quốc gia về “Phát triển giao thông xanh, thông minh 2021 - 2035”, trong đó xác định rõ cần hạn chế mạnh mẽ phương tiện cơ giới truyền thống gây ô nhiễm và từng bước thay thế bằng phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe đạp điện, xe máy điện, xe điện.
Trung Quốc đã đưa ra một số quy định về việc khuyến khích phát triển xe máy/xe đạp điện, cũng như quy định về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ đối với loại phương tiện này. Bên cạnh đó, Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia đối với xe máy/xe đạp điện, quy định tốc độ tối đa dưới 25 km/h, trọng lượng từ 55 - 63 kg, công suất động cơ dưới 400 W, quy chuẩn an toàn pin và sạc pin, định danh chống giả mạo, công nghệ chống sửa đổi gian lận.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai chương trình “đổi cũ lấy mới” trong hai năm 2024 - 2025, hỗ trợ tài chính khi đổi xe lỗi, xe điện sử dụng pin lithium nguy hiểm để mua xe đạt tiêu chuẩn mới.
Một số địa phương ở Trung Quốc đã ban hành chính sách “chuẩn hóa - đăng ký - cấm vùng”. Cụ thể, Thâm Quyến ban hành Quy tắc quản lý xe điện thành phố từ năm 2023, yêu cầu quản lý toàn diện việc đăng ký - ra vào - đỗ/sạc tại khu dân cư, và bãi công cộng; hỗ trợ đổi xe lỗi, thu hồi - đề xuất chiết khấu khi mua xe tiêu chuẩn. Thượng Hải ban hành quy định yêu cầu bắt buộc đội mũ khi đi xe máy điện/xe đạp điện, cấm sạc ở hành lang chung cư (các trường hợp vi phạm có thể bị phạt đến 50.000 NDT); điều chỉnh việc mang/để/sạc pin trong khuôn viên dân cư; yêu cầu các xe điện khi đăng ký phải đạt chuẩn quốc gia...
Về quy định chỗ đỗ xe và sạc pin an toàn, Trung Quốc cấm sạc ở hành lang, cấm để pin trong nhà và yêu cầu xây dựng hệ thống các trạm sạc công cộng tập trung.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.