Tranh cãi ngôn ngữ trong truyện ngắn đoạt giải báo Văn Nghệ

Trăm Ngàn là một trong hai tác phẩm được trao giải nhì, hạng cao nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2022-2024, hôm 24/7 tại Hà Nội. Nhân vật chính là Trăm Ngàn, vốn ra đời từ một mối tình không thành. Anh lớn lên trong sự hắt hủi của gia đình, luôn mong ước được gặp mẹ. Truyện khắc họa câu chuyện buồn về các số phận, thể hiện khát khao đi tìm nguồn cội.
Cùng ngày, trên trang cá nhân, Tiến sĩ Hà Thanh Vân đăng bài phân tích cách dùng từ ''thập cẩm'' của tác giả, pha trộn giữa các miền Nam, Bắc dù bối cảnh ở miền Tây.
Ở một đoạn văn, người viết dùng ''mẹ'' thay cho ''má'': ''Hồi mày còn chưa vào đoàn, tao đã đặt tên cho nó mà nó không chịu, nó nói cứ gọi nó như thế, biết đâu cũng là cái duyên nó tìm lại được mẹ. Bộ mày không thấy hễ tới xóm nào là nó đi rảo từ sáng đến chiều để hỏi thăm, tìm kiếm sao. Tìm từ lúc tóc xanh, giờ tóc nó cũng bạc mà mẹ nó vẫn bặt tăm chim cá''.
Hay cụm ''nó nói cứ gọi nó như thế'', theo nhà nghiên cứu nên được sửa thành ''nó biểu cứ kêu nó như vầy'', cách nói ''mùa hạn'' theo kiểu miền Tây phải là ''mùa khô''.
Ngoài ra, Hà Thanh Vân đặt câu hỏi về ý nghĩa tác phẩm. Chị viết: ''Đọc cả truyện chỉ thấy một người đàn ông khổ sở đi tìm mẹ, gia nhập gánh hát rồi bệnh ung thư mất, đưa về quê nhà. Miêu tả cuộc đời khổ như vậy để đi đến vài câu 'đạo lý văn hoa': Sống một ngày vui cho trọn còn hơn sống cả đời buồn tẻ''.
Tiến sĩ cũng cho rằng truyện thiếu sự mới mẻ. Mô típ con đi tìm mẹ, gánh hát miền Tây đã phổ biến ở nhiều tác phẩm. Khi đọc những dòng đầu, độc giả có thể đoán được diễn biến tiếp theo.
Dưới bài đăng của Hà Thanh Vân, nhiều người bày tỏ sự đồng tình. Giảng viên Chu Trọng Tuấn có chung quan điểm, còn Lan Hương - con gái út của nhà thơ Thanh Tùng - trong vai trò độc giả cho biết sẽ rõ ràng hơn nếu đưa tiêu chí chấm giải.
Không cho rằng truyện "mang bóng dáng văn chương Nguyễn Ngọc Tư", song nhà văn Trần Nhã Thụy không đánh giá cao tác phẩm. Anh cho rằng nội dung truyện không mới, hành văn của tác giả chưa chỉn chu.
* Truyện ngắn "Trăm Ngàn''
Bên cạnh những lời chê, một bộ phận ủng hộ tác phẩm. Ở diễn đàn Viết sáng tạo, một bạn đọc có bài phản bác quan điểm của Hà Thanh Vân: ''Tác phẩm văn học không sinh ra để phục vụ một bảng danh mục 'kiểm tra từ ngữ', cũng không tồn tại để vừa lòng cái khung cố định về địa phương chí, từ vựng học hay thẩm mỹ học cổ lỗ''.
Độc giả chỉ ra từ ngữ trong truyện không phải ''lẩu thập cẩm'' mà là hình thức giao thoa đa thanh. Trong đó, nhân vật Trăm Ngàn là người bị đẩy khỏi quê, sống lang bạt, việc anh dùng ngôn ngữ pha trộn là tái hiện đúng bản thể trôi dạt và lệch chuẩn căn tính.
''Truyện sử dụng ngôn ngữ theo hướng đa thoại, lai ghép, là đặc trưng của văn chương hậu hiện đại, nơi không có ranh giới giữa giọng kể và giọng nhân vật. Việc xen lẫn giữa các biến thể vùng miền cần được hiểu như lựa chọn có chủ đích của Ngô Tú Ngân, nhằm khắc họa đời sống di động, không định danh cố định của nhân vật và bối cảnh'', bạn đọc viết.
Ngoài ra, người này nhận định chủ đề đi tìm mẹ không mới nhưng được thể hiện qua cách kể sâu sắc, mang tính triết lý của Ngô Tú Ngân. Phần bình luận trong bài tiếp tục nhận hai luồng ý kiến.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương - thành viên hội đồng chung khảo - cho biết mỗi tác phẩm được lọt vào vòng này ít nhiều có những giá trị đáp ứng tiêu chí cuộc thi. Ngoài chất lượng là cơ sở được đặt lên hàng đầu, việc đoạt giải còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, như tính cân bằng của giá trị truyền thống và việc sáng tạo, giữa vẻ đẹp văn chương thuần túy và ý nghĩa của giáo dục nhân tính. Tuy nhiên cùng một truyện ngắn sẽ có những sự tiếp nhận, đồng cảm khác nhau từ phía người đọc
Trước những tranh cãi, tác giả Ngô Tú Ngân không nêu ý kiến. Ở lễ trao giải hôm 24/7, cô cho biết đến với văn chương tự nhiên. Ban đầu, Tú Ngân viết để bản thân đọc, về sau cô nhận ra việc này có thể xoa dịu ''đứa trẻ'' trong mình. Tác giả sinh ra và lớn lên ở miền Tây, tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM, hiện là thành viên đoàn Luật sư TP HCM, công tác tại một tập đoàn đa quốc gia.
Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2022-2024 có thành phần tác giả trải dài từ 10 đến ngoài 90 tuổi, từ các cây bút chuyên nghiệp, đã thành danh đến những người lần đầu sáng tác. Hội đồng giám khảo do nhà văn Nguyễn Bình Phương làm chủ tịch, trong đó ban chung khảo có một số thành viên là nhà văn Bảo Ninh, Cao Duy Sơn.
Tác phẩm còn lại đoạt giải nhì là Bờ sông lặng sóng của Vũ Ngọc Thư - nói về những nỗi đau để lại sau chiến tranh. Về việc thiếu vắng giải nhất, ông Nguyễn Bình Phương cho biết điều này thể hiện yêu cầu cao từ ban giám khảo. Đó cũng là lời nhắc để các tác giả nỗ lực hoàn thiện hơn, nhằm đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn.
Phương Linh