TPHCM vận hành thử nghiệm mượt mà mô hình cấp phường, xã mới

(Dân trí) - Ngày 12/6, TPHCM đưa vào vận hành thử nghiệm 102 phường, xã mới sau sáp nhập. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân sự cho công tác thử nghiệm.
Sáng 12/6, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy TPHCM và các điểm cầu cơ sở tại trụ sở Trung tâm phục vụ hành chính công của các phường, xã.
Điểm cầu chính có sự tham dự của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết. Các Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng các tổ công tác trực tiếp dự tại các điểm cầu cơ sở.
Tất cả sẵn sàng
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, phối hợp tích cực, nhịp nhàng, sự hỗ trợ nguồn lực từ các đơn vị liên quan, đến nay, công tác vận hành thử nghiệm trên toàn địa bàn 102 phường, xã mới của thành phố cơ bản hoàn tất. Để đảm bảo sự sẵn sàng cho vận hành các nền tảng dùng chung theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Trung tâm Chuyển đổi số thành phố đã phối hợp cùng UBND quận Tân Bình triển khai vận hành thử nghiệm tại 6 phường mới và đã thành công.
Sau khi phát lệnh vận hành thử nghiệm, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã giám sát tại quầy thực hiện thủ tục hồ sơ của Trung tâm Phục vụ hành chính công phường, xã. Sau đó, lãnh đạo TPHCM nghe báo cáo nhanh kết quả vận hành thử nghiệm và họp rút kinh nghiệm quá trình vận hành thử nghiệm.
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM vận hành thử ba hệ thống dùng chung gồm: Phần mềm quản lý văn bản, dùng tiếp nhận, chuyển giao văn bản trong hệ thống chính trị và hệ thống thư điện tử công vụ của TPHCM; hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân qua cổng thông tin 1022; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính công như khai sinh, khai tử, sao y, chứng thực...
Có 10 tổ công tác do Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng, trực tiếp giám sát, theo dõi, chỉ đạo việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tổ công tác số 1 do ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, làm tổ trưởng dự buổi vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương cấp xã tại trụ sở UBND phường Bình Thới sau khi thành lập mới (địa chỉ số 270, đường Bình Thới, phường 10, quận 11).
Tổ công tác số 2 do ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TPHCM, làm tổ trưởng, cùng 5 thành viên khác giám sát buổi vận hành thử nghiệm của UBND phường Sài Gòn (địa chỉ số 45-47, đường Lê Duẩn, quận 1).
Tổ công tác số 3 do bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, làm tổ trưởng, giám sát buổi vận hành thử nghiệm của UBND phường Xuân Hòa (địa chỉ số 99-99A, đường Trần Quốc Thảo, quận 3).
Tại các phường mới sau sáp nhập, các thiết bị, máy móc, nhân sự... đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình vận hành thử nghiệm, hướng đến công tác vận hành chính thức từ 1/7.
Vận hành trơn tru
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đã đến dự và giám sát buổi vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương cấp xã tại trụ sở UBND phường Bình Thới, quận 11.
Ông Nguyễn Trần Bình, Chủ tịch UBND quận 11 cho biết, trước khi chính thức thành lập chính quyền hai cấp, UBND quận đã nhanh chóng phân công, bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức chuyên môn của các phòng ban phối hợp với đội ngũ viên chức các phường tham gia Trung tâm Hành chính công.
Bên cạnh đó, quận cũng đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho đội ngũ công chức chuyên môn, đồng thời rà soát các quy trình tác nghiệp giữa các bộ phận công chức trong Trung tâm Hành chính công nhằm đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính được thông suốt, không bị gián đoạn.
Việc tập huấn cho cán bộ, công chức về vận hành, tiếp nhận và trả kết quả hành chính thành phố đã được triển khai sớm trên địa bàn quận. Ngay từ đầu, quận đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chuyển đổi số tổ chức tập huấn cho toàn bộ đội ngũ, từ lãnh đạo đến cán bộ, nhằm chuẩn bị cho việc bố trí các chức danh đảm nhận hoạt động của Trung tâm Hành chính công.
Theo ông Bình, hiện nay, Trung tâm Hành chính công tại bốn phường của quận 11 đang bố trí từ 12 đến 16 công chức làm nhiệm vụ giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền được quận chuyển giao về phường, đồng thời xử lý các thủ tục hành chính tại phường.
Quận cũng đã thành lập bốn tổ công tác chỉ đạo việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và vận hành chính quyền địa phương tại các cơ sở, để khi chính thức vận hành, cán bộ nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru.
Tại phường Sài Gòn, từ sáng sớm, ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy quận 1, đã có mặt để kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành. Các cán bộ, công chức cũng có mặt từ sớm để bắt đầu công tác vận hành thử nghiệm.
Bà Ngô Hải Yến, Trưởng phòng Nội vụ quận 1 cho biết, phường Sài Gòn có lợi thế là được đặt tại trụ sở UBND quận 1, đội ngũ cán bộ làm việc tại phường đều là những người từng công tác tại bộ phận một cửa của quận hoặc phường nên đã quen thuộc với hệ thống vận hành.
Điểm cầu phường Xuân Hòa (quận 3) do Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên chủ trì.
Sáng nay, công tác chuẩn bị vận hành thử mô hình chính quyền địa phương mới đã hoàn tất. Tất cả cán bộ được phân công nhiệm vụ có mặt từ sớm để chuẩn bị chu đáo cho buổi vận hành thử nghiệm.
Theo ghi nhận của Dân trí, phường Xuân Hòa có trụ sở đặt tại UBND quận 3, cơ sở vật chất được đảm bảo để hoạt động.
Từ sáng, nhiều người dân đã đến trụ sở phường Xuân Hòa để nộp hồ sơ đăng ký làm các thủ tục hành chính. Các cán bộ nhiệt tình hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của người dân.