TP.HCM mới, sau sáp nhập: Hơn nửa triệu trẻ mầm non, 1.800 trường, 3.000 nhóm lớp

Toàn TP.HCM mới hiện nay, sau sáp nhập có hệ thống giáo dục mầm non to lớn, một mạng lưới rộng khắp với hơn nửa triệu trẻ mầm non, hơn 1.800 trường và hơn 3.000 nhóm lớp độc lập.
Sở GD-ĐT TP.HCM lần đầu tiên tổ chức họp giao ban chuyên môn bậc học mầm non của TP.HCM mới vào ngày 16.7 với sự tham gia của 168 hiệu trưởng cốt cán từ 168 phường, xã, đặc khu trên địa bàn thành phố.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, gọi buổi họp "trong giai đoạn mang tính trọng đại và đầy ý nghĩa đối với sự nghiệp trồng người của thành phố". "Chúng ta đang đứng ở điểm xuất phát của một chặng đường mới sau khi thực hiện việc sáp nhập và điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, 3 địa phương nghĩa tình gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức hợp nhất thành đại đô thị TP.HCM", bà Châu nói.
Quy mô rất lớn của giáo dục mầm non TP.HCM mới
Bà Lê Thụy Mỵ Châu cho biết toàn TP.HCM hiện nay có tổng số 1.839 trường mầm non, trong đó, có 692 trường công lập, 1.147 trường ngoài công lập; 3.103 nhóm, lớp mầm non độc lập.
"Trái tim" của hệ thống này là 521.552 trẻ mầm non. Trong đó, các cơ sở công lập đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 220.303 trẻ. Còn số trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là 301.249 trẻ.
Toàn TP.HCM hiện có 3.801 cán bộ quản lý, 40.435 giáo viên mầm non và 20.726 nhân viên.
Theo bà Châu, những con số trên không chỉ phản ánh một quy mô phát triển rất lớn, mà nó còn đi kèm với những thách thức không hề nhỏ. Quy mô càng lớn, địa bàn càng rộng, sự đa dạng càng cao thì trách nhiệm càng nặng nề. Đội ngũ những người làm giáo dục mầm non cần nhìn thẳng vào những thách thức này, không phải để lo sợ, mà để nâng cao trách nhiệm, hoàn thành tốt trọng trách chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non.
Phối hợp rà soát, bổ sung 168 cán bộ phụ trách văn hóa xã hội tại các xã/phường
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định cần một tư duy mới, một cách làm mới trong giáo dục mầm non. Định hướng chiến lược trong giai đoạn tới là "tái cấu trúc bộ máy chỉ đạo, phân cấp quản lý mạnh mẽ, đồng thời đẩy mạnh đào tạo, kiểm tra chuyên môn và giám sát chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ với các nguyên tắc tập trung - phân cấp - liên kết chặt chẽ - phù hợp địa bàn và thực tiễn triển khai".
Cụ thể, bà Lê Thụy Mỵ Châu nêu mô hình, cấu trúc, mạng lưới hoạt động giáo dục mầm non của 168 phường, xã khắp TP.HCM: