TP.HCM, Lâm Đồng kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn

Đến nay có 79 cơ sở sản xuất của tỉnh Lâm Đồng đạt chứng nhận an toàn cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống cho thị trường TP.HCM.
Ngày 26.7, tại P.Xuân Hương - Đà Lạt (TP.Đà Lạt cũ), Sở An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng trong năm 2024.
Phối hợp kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về An toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Sở NN - MT tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau sáp nhập Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn nhất nước (24.233 km2 ) với dân số hơn 3,87 triệu người. Lâm Đồng có các loại nông đặc sản ưu thế so với các vùng khác như: rau củ quả, hoa, chè, cà phê, sầu riêng, thanh long và các loại thủy hải sản….
Diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh khoảng 1.052.000 ha, trong đó khoảng 107.306 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 149.760 ha được chứng nhận sản xuất an toàn bền vững; có 960 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 39.363,3ha và 33 mã cơ sở đóng gói đối với các loại nông sản chủ lực của tỉnh như: sầu riêng, thanh long, bưởi, chanh dây...đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh được duy trì ổn định với 6.694ha; 104.138 m3 lồng bè nuôi trên biển; 144 cơ sở sản xuất giống thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 31.140 tấn các loại; sản phẩm khai thác ước đạt 249,8 ngàn tấn thủy sản các loại. Toàn tỉnh có khoảng 388 trang trại chăn nuôi lợn, 110 trang trại chăn nuôi bò, 149 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn và trên 1.000 trang trại chăn nuôi quy mô vừa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 934 sản phẩm OCOP gồm 927 sản phẩm OCOP 3 sao và 90 sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 700 sản phẩm được sử dụng thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, thông tin năm 2024 tỉnh Lâm Đồng (cũ) có 5 cơ sở tham gia đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo "chuỗi thực phẩm an toàn" đối với sản phẩm rau, củ, quả, thịt heo cung cấp cho thị trường TP.HCM với tổng sản lượng bình quân hơn 2.835 tấn rau, củ, quả/năm và 1.330 tấn thịt heo/năm.
Tính đến đầu tháng 7.2025, tỉnh Lâm Đồng (cũ) có 18 cơ sở tham gia đề án "chuỗi thực phẩm an toàn" trong đó 12 cơ sở rau củ quả tham gia chuỗi với tổng sản lượng rau, củ, quả 19.888 tấn/năm chiếm 88,93% tổng sản lượng chuỗi rau, củ, quả và 6 cơ sở chăn nuôi heo thịt chuỗi với tổng sản lượng 8.081 tấn/năm chiếm 6,97% tổng sản lượng chuỗi thịt heo.
Qua rà soát, có 79 cơ sở sản xuất của tỉnh Lâm Đồng đạt chứng nhận an toàn cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống cho thị trường TP.HCM.
Năm 2024, Sở An toàn thực phẩm đã triển khai lấy 332 mẫu rau củ quả có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả kiểm nghiệm có 331 mẫu an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chỉ có 1 mẫu phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định.
Trong năm qua, dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển" do Canada tài trợ (Dự án SAFEGRO) được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, dự án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền, tập huấn, quảng bá cho các cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn; người tiêu dùng nhận diện sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn qua phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin, thương mại điện tử, các ấn phẩm truyền thông...
Xây phải mạnh hơn chống.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết Sở đang phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn với 15 tỉnh thành, trong đó riêng Lâm Đồng cung cấp 90% tổng sản lượng chuỗi rau, củ, quả và 6,97% tổng sản lượng chuỗi thịt heo cho TP.HCM. Đó là lý do Sở chọn tỉnh Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên để sơ kết quá trình hợp tác, đồng thời tiếp tục phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản trong những năm tới.
Theo bà Lan, thời gian qua báo chí phản ánh chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhiều hơn phản ánh hàng tốt, hàng chất lượng. Thực tế có nhiều chuỗi sản phẩm an toàn cần được báo chí tuyên truyền phản ánh để được lan tỏa nhiều hơn. "Chúng ta cần xây mạnh hơn chống để người tiêu dùng biết đến những sản phẩm chất lượng, an toàn", bà Lan nói.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị Sở NN -MT tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn cơ sở sản xuất nông sản báo cáo định kỳ về sản lượng, chủng loại được tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM; tổ chức giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sản xuất tại tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM. Sở An toàn thực phẩm tiếp tục tổ chức tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn" theo quy chế cấp và thu hồi giấy chứng nhận do UBND TP.HCM ban hành cho các cơ sở sản xuất của tỉnh Lâm Đồng tham gia.