TP.HCM đang xem xét bỏ quyết định 32, phí vỉa hè vẫn thu như cũ

Quy định cũ, quyết định 32 cho phép khai thác vỉa hè vào mục đích cụ thể, nhưng lại chưa được thể hiện trong nghị định 165 mới. TP.HCM đang xem xét điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trước đó quyết định 32 được ban hành trong bối cảnh thành phố cần có một khung pháp lý tạm thời để điều chỉnh việc dùng lòng đường, vỉa hè để đậu xe, buôn bán, tổ chức sự kiện, tiện ích công cộng... (có thu phí và sắp xếp đúng quy củ, đảm bảo dành lối cho người đi bộ).
Tuy nhiên vào cuối tháng 12-2024, Chính phủ đã ban hành nghị định 165, hướng dẫn chi tiết Luật Đường bộ và Luật An toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung quy định tương đối đầy đủ về việc dùng tạm lòng đường, vỉa hè.
Do đó Sở Xây dựng TP.HCM đang xem xét báo cáo UBND TP để thống nhất bãi bỏ quyết định 32, tránh chồng chéo và đảm bảo tính nhất quán với quy định cấp trung ương.
Trong thời gian chờ quy trình bãi bỏ hoàn tất, các hoạt động dùng vỉa hè, lòng đường vẫn tiếp tục được cấp phép và thu phí theo nghị quyết 15 của HĐND TP.HCM. Các trường hợp đủ điều kiện dùng tạm vẫn được phép và nộp phí theo đúng quy định.
"Một số nội dung từng được quy định tại quyết định 32 như việc dùng vỉa hè để buôn bán, làm làn đường cho xe đạp hiện chưa được đề cập trong nghị định 165. Vì vậy TP.HCM đang xem xét, đề xuất sửa đổi nghị quyết 15 để cập nhật mức thu và nội dung thu sao cho phù hợp với tình hình thực tế và căn cứ pháp lý mới", vị đại diện cho hay.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP.HCM đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM xây dựng đề án khai thác lòng đường, vỉa hè. Mục tiêu là có cách lâu dài, đồng bộ, phù hợp với đặc thù đô thị lớn như TP.HCM, nhất là với những nội dung mà nghị định 165 chưa đề cập đến.
Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ tuyên truyền nhiều hơn và xử lý nghiêm các lỗi, để đảm bảo trật tự giao thông, vỉa hè ngăn nắp, thông thoáng.
Hiện việc cấp phép dùng tạm vỉa hè, lòng đường vẫn thuộc thẩm quyền của cấp quận, huyện. Tuy nhiên do TP.HCM đang tổ chức lại đơn vị hành chính, không còn cấp quận huyện, nên sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực, thành phố sẽ tiếp tục xin ý kiến để phân cấp thẩm quyền phù hợp.