Tổng tấn công hàng gian, giả, hàng độc hại: Thông điệp mạnh, chặn kiểu làm ăn gian dối

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, buôn bán gian dối. Việc này được hy vọng là "liều thuốc" đủ mạnh để cải thiện và trả lại môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp chân chính.
Ngày 15-5, Thủ tướng đã có công điện về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tổ công tác của Thủ tướng về cao điểm cũng được thành lập ngay sau đó. Trước đó, nhiều vụ sản xuất sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bẩn... được phanh phui, xử lý hình sự.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Tri Thắng, phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam (ACF), về câu chuyện thời sự này.
Cửa làm ăn gian dối hẹp dần
* Ông có thể khái quát về thực trạng và tác hại của hàng giả, hàng gian, hàng độc hại hiện nay?
- Thực trạng hàng giả, hàng gian, hàng độc hại ở Việt Nam trong những năm qua và hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nỗ lực không ngừng, nhưng tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Về quy mô và tính chất thì hàng giả, hàng gian, hàng độc hại đa dạng về chủng loại và không chỉ xuất hiện ở các sản phẩm xa xỉ, có giá trị cao mà còn len lỏi vào các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng thông thường...
Những kẻ gian đã chuyển từ các hoạt động sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ sang các đường dây, mạng lưới quy mô lớn, có tổ chức, xuyên quốc gia, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng làm giả sử dụng công nghệ cao, làm giả bao bì, tem nhãn, giấy tờ chứng nhận một cách tinh vi khiến người tiêu dùng khó phân biệt.
Hàng giả đang được phân phối rộng rãi qua cả kênh truyền thống lẫn thương mại điện tử. Việc này gây nhiều khó khăn trong kiểm soát: việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng gặp nhiều thách thức do chuỗi cung ứng phức tạp và sự thiếu ý thức của một bộ phận người kinh doanh.
Hàng giả, đặc biệt là thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, thường chứa các thành phần độc hại, không rõ nguồn gốc hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh... có thể gây ra các bệnh cấp tính, mãn tính, thậm chí tử vong. Ví dụ điển hình là các vụ ngộ độc thực phẩm do rượu giả, thực phẩm bẩn, hay các biến chứng do sử dụng dược phẩm, mỹ phẩm giả thời gian qua.
Còn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính bị mất thị phần, giảm doanh thu và lợi nhuận do hàng giả, hàng nhái cạnh tranh không lành mạnh.
Điều này làm suy yếu năng lực cạnh tranh, cản trở sự phát triển và mở rộng của các doanh nghiệp trong nước. Hàng giả, kém chất lượng gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của các thương hiệu chính hãng, thậm chí có thể khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào các sản phẩm "made in Vietnam" nói chung.
Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng gian, độc hại thường không tuân thủ quy định về thuế phí, dẫn đến thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng, làm nản lòng các nhà đầu tư chân chính, cản trở sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng gian, độc hại cũng gây mất trật tự an toàn xã hội, thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn về đạo đức kinh doanh.
* Cả nước đang thực hiện cao điểm tổng tấn công hàng giả, hàng gian, độc hại với nhiều vụ việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi sản xuất, buôn bán, quảng bá... Ông chia sẻ thêm góc nhìn của ông về quyết tâm của cơ quan chức năng?
- Việc Thủ tướng ban hành "lệnh tổng tấn công" cùng sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng gần đây là những tín hiệu rất tích cực, thể hiện rõ chủ trương và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này.
Chính phủ đã coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Cách tiếp cận này cho thấy một sự thay đổi từ xử lý vụ việc đơn lẻ sang một chiến dịch đồng bộ, toàn diện, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội.
Quyết tâm này không chỉ dừng lại ở việc xử lý đối tượng trực tiếp mà còn mở rộng đến các cá nhân, tổ chức có hành vi quảng bá, tiếp tay cho hàng giả, hàng gian, độc hại. Điều này thể hiện sự nhìn nhận toàn diện hơn về chuỗi giá trị của hành vi vi phạm.
Răn đe, ngăn ngừa ý định làm ăn gian dối
* Những vụ án được dư luận quan tâm gần đây liệu có đủ sức cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa đối với những cá nhân, tổ chức muốn làm giàu nhanh chóng với hàng giả, hàng gian, độc hại?
- Những vụ án được dư luận quan tâm gần đây, với các mức án nghiêm khắc, chắc chắn tạo ra hiệu ứng cảnh tỉnh, răn đe và ngăn ngừa đáng kể. Trong đó có hiệu ứng răn đe trực tiếp đến tâm lý và hành vi của những cá nhân, doanh nghiệp có ý định làm giàu bất chính khi họ thấy cái giá phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật.
Các vụ án cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng gian, độc hại, từ đó giúp người dân cảnh giác hơn và sẵn sàng tố giác các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế rằng hiệu quả cảnh tỉnh, răn đe không thể tuyệt đối và đạt được ngay lập tức. Vẫn còn một số đối tượng vì siêu lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, tìm mọi cách lách luật và thay đổi phương thức hoạt động.
* Để việc chống hàng giả, hàng gian, độc hại hiệu quả hơn, theo ông, cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh những giải pháp nào?
- Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ và chiến lược. Quan trọng nhất là hoàn thiện khung pháp lý và chính sách.
Cần đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và đủ sức răn đe đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng gian, độc hại; bổ sung các chế tài đủ mạnh, tăng mức phạt hành chính, tăng khung hình phạt...
Tăng cường hiệu lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đăng ký, bảo vệ và thực thi quyền của mình. Cần xây dựng và thực thi hiệu quả cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố giác các hành vi vi phạm, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi. Cụ thể, cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa bộ, ngành, địa phương và giữa các cơ quan chức năng (quản lý thị trường, công an, hải quan, y tế, khoa học và công nghệ, tài chính...) để tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng và nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý.
Cần đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để phát hiện hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao và phức tạp. Áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý thị trường.
Cùng với đó, cần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thực thi pháp luật về nhận diện hàng giả, phương thức thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng điều tra xử lý.
Cuối cùng, quyết tâm chống hàng giả, hàng gian, độc hại cần đi vào chiều sâu và tạo ra những chuyển biến bền vững, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động, đảm bảo tính liên tục, không ngừng nghỉ, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Phải thực thi pháp luật nghiêm minh. Đảm bảo tất cả các vụ việc đều được xử lý công bằng, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Các vụ án cần được xử lý thường xuyên, liên tục, không để "lắng xuống".
Phải khởi nghiệp bằng sự chính trực, say mê
* Chống hàng gian, hàng giả bằng cách nào từ phía các doanh nghiệp, thưa ông?
- Những cá nhân, doanh nghiệp đang hoặc có ý định làm ăn bất chính nay muốn phát triển bền vững cần phải tự thay đổi tư duy. Cần tuân thủ nghiêm túc pháp luật về kinh doanh, môi trường, thuế, sở hữu trí tuệ... Bên cạnh đó cần xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, đề cao tính chính trực, trách nhiệm xã hội và sự tôn trọng đối với người tiêu dùng, đối tác và đối thủ cạnh tranh.
Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào chất lượng và uy tín thương hiệu bởi niềm tin của khách hàng là tài sản vô giá, không thể đánh đổi bằng lợi nhuận trước mắt.
Đồng thời doanh nghiệp cần lan tỏa tinh thần làm ăn chân chính đến các đối tác, nhà cung cấp và cả trong nội bộ doanh nghiệp; tham gia các hiệp hội ngành nghề, các hoạt động chống hàng giả để cùng xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Khi phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến sản phẩm của mình, hoặc khi có thông tin về các hoạt động phi pháp, cần chủ động hợp tác và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Với những người có ý định khởi nghiệp, hãy khởi nghiệp bằng sự chính trực và đam mê. Đừng bao giờ nghĩ đến con đường tắt bằng cách làm hàng giả, hàng nhái hoặc những hành vi phi pháp khác. Sự chính trực sẽ là nền tảng vững chắc nhất cho mọi sự phát triển.
* Việc làm ăn ngay thẳng sẽ được Nhà nước bảo vệ ra sao trong thời gian tới để tạo ra thị trường lành mạnh, nơi các doanh nghiệp chân chính cạnh tranh sòng phẳng?
- Có thể thấy việc Chính phủ phát động đấu tranh mạnh mẽ với hàng giả, hàng gian, độc hại và cần tiếp tục kiên trì là để bảo vệ cho kinh tế tư nhân, cho những người làm ăn chân chính được phát triển.
Thời gian qua, Chính phủ cũng thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hoãn thời gian thi hành một số luật liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt; thực hiện giãn và hoãn các loại thuế, phí; thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng...
Với quyết tâm của Chính phủ, việc làm ăn ngay thẳng sẽ được bảo vệ và bảo hộ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cụ thể các doanh nghiệp chân chính sẽ được bảo vệ thông qua hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện về sở hữu trí tuệ, về cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.
Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ sản phẩm dịch vụ; cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm uy tín... Song song với hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng gian là khen thưởng, vinh danh các doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chân chính, có đóng góp tích cực vào công tác chống hàng giả, hàng gian, độc hại.
Tất cả các công việc trên sẽ tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh, giúp cho các hoạt động kinh doanh chân chính được cạnh tranh dựa trên giá trị thực. Môi trường kinh doanh lành mạnh cũng tạo động lực cho sự đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững.