Tổn thương gan do sốt xuất huyết - Báo VnExpress

BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết như trên trong bối cảnh cả nước ghi nhận nhiều ca tử vong vì sốt xuất huyết, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng sốc và tái sốc nhiều lần, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu và xuất huyết nặng, nhiễm trùng.
Tổn thương gan là biến chứng thường gặp khi bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết. Các biến chứng về gan xuất hiện ở 60-90% ca bệnh, bao gồm gan to, vàng da, tăng men gan... 4-15% bệnh nhân nặng có thể tăng men gan gấp 10 lần, nguy cơ suy gan cấp tính, theo nghiên cứu về "sốt xuất huyết Dengue và gan" của nhóm chuyên gia khoa Y học Nhiệt đới, Đại học Mahidol, Thái Lan năm 2021.
Tác động kép từ virus Dengue và phản ứng viêm của cơ thể, là lý do khiến gan bị tổn thương. Trong đó, virus xâm nhập trực tiếp và phá hủy các tế bào gan, gây tổn thương từ bên trong. Cơ thể phản ứng lại bằng cách kích hoạt cơ chế tự hủy của những tế bào bị nhiễm virus, nhằm bảo vệ cơ thể. Khi quá nhiều tế bào cùng lúc bị tiêu diệt, gan không còn đủ khả năng thực hiện các chức năng quan trọng.
Cùng lúc đó, virus kích hoạt phản ứng viêm quá mức của cơ thể, giải phóng nhiều chất trung gian gây viêm như cytokine. Phản ứng diễn ra quá mạnh sẽ làm tổn thương tế bào lành ở gan, gây phù nề, xung huyết, cản trở máu nuôi dưỡng gan.
Tình trạng sốc sốt xuất huyết dẫn đến tưới máu kém cho gan cũng góp phần gây ra suy gan cấp. Lúc này, gan gần như mất hoàn toàn khả năng thực hiện các chức năng thải độc, sản xuất yếu tố đông máu hay điều hòa chuyển hóa. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời.
"Ngay từ thời điểm bước vào giai đoạn sốc, gan đã có dấu hiệu tổn thương rõ rệt, thường nặng hơn sau 12-24 giờ", bác sĩ Đạo nói, thêm rằng các trường hợp tiến triển thành suy gan cấp thường cần điều trị hồi sức tích cực với máy thở, truyền huyết tương và lọc máu. Nếu không cải thiện chức năng gan, bệnh nhân có thể cần ghép gan để duy trì sự sống.
Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương gan trong sốt xuất huyết rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nặng. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay nếu có triệu chứng cảnh báo bao gồm: đau tức vùng hạ sườn phải (vùng gan), buồn nôn kéo dài và vàng da, vật vã kích thích, li bì, nôn nhiều, tiểu ít, đau đầu dữ dội, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Bệnh nhân nên theo dõi ở bệnh viện nếu: sống một mình, nhà xa cơ sở y tế, gia đình không có khả năng theo dõi, người dư cân, béo phì, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ hơn một tuổi hoặc người lớn hơn 60 tuổi.
Bác sĩ Đạo khuyến cáo người dân phòng ngừa sốt xuất huyết thông qua nhiều biện pháp. Mỗi gia đình cần diệt muỗi và bọ gậy bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước, thu gom vật dụng phế thải, lật úp các vật dụng không sử dụng để tránh đọng nước. Nơi ở nên sử dụng lưới chống muỗi, mặc quần áo dài tay kể cả vào ban ngày. Khu vực xung quanh nơi ở nên dọn dẹp sạch, phát quang bụi rậm, không cho muỗi đẻ trứng.
Bệnh sốt xuất huyết có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Vaccine ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trên 80% và nguy cơ nhập viện trên 90%, chỉ định cho trẻ em từ bốn tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai liều cách nhau ba tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước mang thai tốt nhất ba tháng hoặc tối thiểu một tháng.
Bình Nguyên