Nhảy đến nội dung
 

Tôi thoát cảnh hết tiền cuối tháng nhờ nguyên tắc chi tiêu 50-30-20

Tôi từng nghĩ rằng, quản lý tài chính cá nhân là chuyện của những người làm kinh doanh hay đầu tư chuyên nghiệp, còn người làm công ăn lương như mình thì chỉ cần "tháng nào xong tháng đó" là được. Nhưng rồi có một thời điểm, tôi nhận ra dù có tăng thu nhập thêm bao nhiêu, mình vẫn thường xuyên hết tiền. Mọi kế hoạch tiết kiệm, đầu tư đều trôi theo những lần "tiêu không kịp nghĩ".

Mãi đến khi tình cờ đọc được về nguyên tắc tài chính 50-30-20 – một công thức đơn giản được áp dụng ở nhiều nước phát triển – tôi mới bắt đầu nghiêm túc nhìn lại cách mình sử dụng đồng tiền. Nguyên tắc này chia tổng thu nhập hàng tháng (sau thuế) thành 3 phần: 50% cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, tiền nhà, học phí, điện nước, đi lại, bảo hiểm sức khỏe...; 30% cho các mong muốn cá nhân, như đi chơi, mua sắm, ăn ngoài, giải trí – những thứ có cũng tốt, không có cũng không sao; 20% còn lại để tiết kiệm hoặc đầu tư – đây chính là phần tạo nên sự vững vàng cho tương lai.

Khi bắt đầu áp dụng, tôi khá bất ngờ: những khoản tưởng chừng "không đáng bao nhiêu" như ăn trưa ngoài hay mua đồ online hóa ra chiếm một phần khá lớn. Có tháng tôi tiêu đến hơn 40% thu nhập chỉ cho những khoản "muốn", trong khi phần tiết kiệm thì bằng 0.

Tôi bắt đầu thay đổi từng chút một: mang cơm đi làm, hạn chế mua sắm không cần thiết, dùng phần mềm ghi chép chi tiêu. Điều quan trọng là tôi vẫn giữ được những niềm vui nho nhỏ mỗi tháng, nhưng có kiểm soát hơn, và quan trọng nhất tôi đã có một khoản tiết kiệm đầu tiên trong đời.

>> Lương 12 triệu nhưng đồng nghiệp cứ rủ ăn trưa 300.000 đồng

Không phải ai cũng có thể áp dụng nguyên tắc 50-30-20 một cách cứng nhắc. Nhiều người có thể cần mô hình 70-20-10 nếu chi phí thiết yếu quá cao. Hoặc 40/30/30 nếu thu nhập tốt và muốn đầu tư nhiều hơn. Điều cốt lõi tôi rút ra là: dù thu nhập ở mức nào, cũng cần dành một phần cho tương lai.

Ở Việt Nam, rất ít người trẻ nói đến đầu tư hay tiết kiệm từ sớm. Thường thì chúng ta chi tiêu theo cảm tính, hoặc dựa trên số dư tài khoản. Tôi từng như thế, và chỉ khi bắt đầu kiểm soát, tôi mới thấy mình sống chủ động hơn, không còn cảm giác "bấp bênh" trước mỗi kỳ lương.

Sẽ có người nói: "Lương còn không đủ sống, tiết kiệm cái gì?". Nhưng nếu cứ mãi không đủ, có lẽ điều ta cần thay đổi không chỉ là cách chi tiêu, mà cả cách kiếm tiền, học hỏi thêm kỹ năng, tìm cơ hội tốt hơn, nâng cao giá trị bản thân. Quản lý tài chính không chỉ là giữ tiền, mà là biết mình đang sống vì điều gì, và mình muốn tương lai ra sao?

Tôi không phải là chuyên gia tài chính. Tôi chỉ là một người từng "cháy túi" vào ngày 25 hàng tháng, và giờ đã học được cách giữ lại một phần cho ngày mai. Với tôi, nguyên tắc 50-30-20 không phải công thức cố định mà là một cú hích để bắt đầu sống có kế hoạch hơn, bền vững hơn.

Nguyễn Hoàng

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn