Tiết kiệm được 10 cây vàng, gặp các con lại nói đã bán hết: Ngay trong đêm, tôi sững sờ với tin nhắn từ con dâu mà cả đời khó quên

Sau khi đọc được đoạn tin nhắn từ con dâu, cụ ông 74 tuổi nhận ra đâu mới là thứ quý báu của đời mình.
Cụ ông Trần Hòa, 74 tuổi, sống trong một căn nhà cấp bốn giản dị tại một góc phố nhỏ thuộc thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Hơn 50 năm qua, ông làm việc cần mẫn với nghề sửa đồng hồ ven đường. Mỗi nhân dân tệ kiếm được, ông đều trân trọng và tiết kiệm, không phải để giàu có, mà chỉ mong có một chút tích lũy cho những năm tháng xế chiều. Lỡ có chuyện bất trắc xảy ra, ông hy vọng không trở thành gánh nặng cho con cháu.
Vợ mất sớm, ông một mình nuôi ba người con khôn lớn. Cả đời ông sống đạm bạc, chưa từng tiêu xài hoang phí. Những đồng tiền tích cóp được, ông dần chuyển sang mua vàng - loại tài sản ông tin là bền vững nhất. Đến cuối năm ngoái, tổng cộng ông đã tiết kiệm được 10 cây vàng, được gói kỹ trong lớp vải đỏ, giấu kín đáo trong đáy hộc tủ.
Không ai trong nhà biết về khoản tích lũy ấy. Ông không khoe, không bàn, bởi trong lòng ông luôn có nỗi e ngại mơ hồ: “Nếu nói ra, liệu có giữ được không?”
Đầu tháng 5 năm nay, gia đình ông tổ chức một bữa cuộc tụ họp. Trên bàn ăn, câu chuyện xoay quanh khó khăn kinh tế, giá cả leo thang, tiền học, tiền nhà, đủ thứ áp lực của đời sống hiện đại. Người con thứ buột miệng hỏi: “Cha có còn khoản tiết kiệm nào không? Nếu có, bán bớt vàng đi rồi sửa lại căn nhà này cũng được”.
Ông Hòa im lặng một lúc lâu, rồi nói chậm rãi: “Cha từng có, nhưng mấy năm rồi bệnh tật, sửa nhà, đám giỗ... tiêu hết cả rồi. Giờ chẳng còn gì nữa.”
Không ai chất vấn thêm. Buổi gặp mặt kết thúc chóng vánh, con cháu lần lượt ra về. Ông không buồn vì các con hỏi tiền. Ông chỉ thấy một điều gì đó vỡ vụn bên trong: hóa ra, tất cả sự chăm chỉ, tích cóp cả đời của ông, cuối cùng chỉ là số tiền tiết kiệm còn lại bao nhiêu.
Tuy nhiên, điều khiến ông thực sự bất ngờ lại đến ngay trong đêm. Khoảng gần nửa đêm, khi đang chuẩn bị tắt đèn đi ngủ, điện thoại ông rung lên. Một tin nhắn từ con dâu cả hiện lên màn hình - người mà ông vốn ít nói chuyện, chỉ gặp mặt qua loa mỗi dịp lễ Tết. “Cha, con xin lỗi vì hôm nay tụi con đã vô tâm. Con biết cha không còn nhiều tiền nhưng nếu có chuyện gì cần, cha cứ nói với con. Con đã bàn với chồng. Từ tháng sau, mỗi tháng, tụi con sẽ gửi thêm ít tiền sinh hoạt cho cha. Cha đừng lo chuyện gì khác, chỉ cần khỏe mạnh là đủ với tụi con rồi.”
Cụ ông lặng đi. Mắt cay xè. Câu nói không hoa mỹ, không dài dòng, nhưng khiến ông xúc động hơn bất cứ điều gì. Không phải vì số tiền hứa cho, mà vì lần đầu tiên sau nhiều năm, ông cảm nhận rõ ràng sự quan tâm chân thành, không đến từ vàng bạc, mà từ tình cảm.
Sáng hôm sau, ông nhắn lại: “Cha vẫn ổn. Chỉ mong các con sống hòa thuận, thương yêu nhau là cha vui rồi.”
Và rồi, ông quyết định mang hai cây vàng đi bán, đổi lấy một phần tiền nhỏ để sửa lại mái nhà bị dột và mua thêm vài món đồ bồi bổ sức khỏe. Phần còn lại, ông vẫn giữ nguyên chỗ cũ, nhưng lòng đã nhẹ nhõm hơn trước.
Ông Trần không oán trách con cái. Ông hiểu thời đại đã khác, người trẻ có những nỗi lo riêng. Nhưng chính tin nhắn giản dị ấy đã khiến ông nhận ra: Có những điều không thể đo bằng giá trị vật chất. Đôi khi, sự sẻ chia chân thành lại chính là “kho báu” quý giá nhất.
(Theo Sohu)