Tiếp nhận nhiều tư liệu ảnh giá trị của các phóng viên chiến trường

TPO - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức Lễ tiếp nhận những tư liệu ảnh do các cựu phóng viên, gia đình các cựu phóng viên chiến trường trao gửi để lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm.
Đó là những tư liệu ảnh của các nhà báo, phóng viên ảnh Chu Chí Thành, Nguyễn Văn Bảo, Lương Nghĩa Dũng, Hoàng Văn Sắc và Vũ Tạo.
Hơn nửa thế kỷ trước, những nhà báo, phóng viên ảnh nói trên đã vượt gian khổ, đi theo các đoàn quân ra chiến trường. Trên đường đi cùng các đoàn quân, họ chụp được những bức ảnh chân thực, có giá trị lịch sử vô giá, trở thành những nguồn tư liệu cung cấp những thông tin về đời sống, sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 5/6, các cựu phóng viên, gia đình các cố phóng viên đã mang các tư liệu ảnh mà họ gìn giữ cẩn thận trong nhiều năm để gửi và bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
![]() |
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa (phải) tiếp nhận tư liệu ảnh của nhà báo Chu Chí Thành. |
![]() |
Bức ảnh Hai người línhẢnh: Chu Chí Thành. |
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, sinh năm 1944 tại Hưng Yên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Khi tham gia chiến trường, ông đã chụp được nhiều bức ảnh giá trị, trong đó cụm tác phẩm (4 ảnh) Hai người lính được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022.
Nghệ sĩ Chu Chí Thành nhận được những phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2012…
![]() |
Các chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn Sơn Mỹ quân giải phóng Quảng Trị đánh chiếm cao điểm 365, mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị chiều 30/3/1972. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng. |
Phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng (1934-1972), quê quán Hà Tây (nay là Hà Nội) là phóng viên Phòng Thông tấn Quân sự, Quân đội nhân Việt Nam. Ông hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, được công nhận liệt sĩ.
Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật năm 2017 với cụm tác phẩm (3 ảnh) Những khoảnh khắc để lại và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007 với tác phẩm Đấu pháo ở Dốc Miếu.
![]() |
Bức ảnh Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Hoàng Văn Sắc. |
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bảo (1930-2005), quê quán Bắc Ninh, là phóng viên TTXVN, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2007 với tác phẩm Từ thần sấm xuống xe trâu.
Với những cống hiến của mình, ông vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều kỷ niệm chương, bằng khen của các cơ quan ban ngành và nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
![]() |
Bức ảnh Từ thần sấm xuống xe trâu Ảnh: Nguyễn Văn Bảo. |
Phóng viên ảnh Vũ Tạo (1940-2005), quê quán Hà Nam, là phóng viên ảnh Tổng cục Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam) được biệt phái sang TTXVN.
Ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2007 với tác phẩm Hiên ngang (Phủ Lạng Thương, Bắc Giang) và được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba và nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
![]() |
Bức ảnh Hiên ngang. Ảnh: Vũ Tạo. |
Phóng viên ảnh Hoàng Văn Sắc (1934-2015) quê quán Hà Nội, là phóng viên rồi Trưởng tiểu ban Ảnh công nghiệp (Ban Biên tập ảnh TTXVN). Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2007 với tác phẩm Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc và Đường ra tiền tuyến (năm 1968).
Ông được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Kỷ niệm chương vì nghĩa vụ quốc tế với Campuchia và nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.