Tiền mặt dần ít đi ở Đà Nẵng, mua quả trứng 2.000 đồng cũng chìa điện thoại

Nhiều du khách mấy năm gần đây ghé các chợ du lịch như chợ Cồn, Chợ Hàn hay các chợ truyền thống ở Đà Nẵng tò mò khi thấy trước mỗi quầy hàng đều in một mã QR code để thanh toán.
Với xu thế gần như không thể đảo ngược, thanh toán không dùng tiền mặt ở Đà Nẵng ngày càng chiếm sóng ở tiệm cà phê, quầy bún, hàng tạp hóa cho tới các chợ du lịch…
Mỗi bà bán rau sắm một mã QR code
Hơn 11h trưa, các quầy hàng ở chợ Hàn nằm trong trung tâm TP Đà Nẵng vẫn khá đông khách. Ngoài rìa chợ, những tiểu thương bán hàng tiêu dùng thường ngày như rau xanh, trái cây… ngồi vừa lướt điện thoại vừa đợi khách.
Một người phụ nữ trẻ tuổi rà xe máy sát quầy rau mua mấy quả trứng gà, hai trái mướp và một bó hành lá. Khi được thông báo số tiền tổng cộng là 25.000 đồng, thấy người mua hàng rút điện thoại trong túi ra thì nữ chủ hàng rau cũng chìa miếng nhựa có tờ mã QR code để nhận tiền.
Đi dọc các quầy hàng ở chợ Hàn rất dễ nhìn thấy trên cột sắt, bức tường hoặc nằm giữa đống hàng hóa là các mã QR code được chủ các cửa hàng dán sẵn để nhận tiền thanh toán từ khách. Từ lẻ tẻ ban đầu, tới nay mã QR xuất hiện hầu như tất cả các quầy hàng trong chợ và trở thành phương thức thanh toán phổ biến.
"Mua một cây nến vài ngàn đồng cũng quét mà gói hàng cả triệu đồng cũng quét. Làm như này vừa khỏe, vừa nhanh gọn lại không lo thất thoát" - bà Nguyễn Thị Sáng, chủ quầy hàng khô ở chợ Hàn, nói.
Theo bà Sáng, đa phần chị em buôn bán ở chợ Hàn đều là người gắn bó với chợ búa từ lâu nay, đều lớn tuổi nên khi cách thanh toán bằng chuyển khoản, quét mã QR bắt đầu được áp dụng thì nhiều người lo ngại. Nhờ các đơn vị liên tục hướng dẫn nên bà con quen dần, nay hầu như ai cũng có điện thoại smarphone, có mã QR đặt trước quầy hàng để nhận tiền từ khách.
"Ban đầu thì chúng tôi in số tài khoản cho khách chuyển. Nhưng hình thức đó thì hơi mất thời gian và nhiều lúc nhập sai thông tin. Gần đây người ta bày cho cách in mã QR code này nên khách chỉ cần dí điện thoại vô là chuyển khoản đúng tài khoản của mình" - bà Trương Thị Thục Vy, tiểu thương quầy thực phẩm, nói.
Tiền mặt ở Đà Nẵng dần ít đi
Không chỉ ở các chợ du lịch lớn, xu hướng không dùng tiền mặt trong thanh toán hiện nay ở Đà Nẵng đã gần như áp đảo trong tất cả các giao dịch từ ngân hàng tới mua đồ lặt vặt ở các làng quê. Các chợ truyền thống nằm ở các làng xã, vùng nông thôn hay thậm chí ngư dân mua bán hải sản với nhau cũng cầm điện thoại ra để chuyển khoản.
Ông Nguyễn Phước Sang (thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) - tiểu thương chuyên thu mua rau trái, trầu cau ở các làng quê - cho biết khoảng 4-5 năm qua ông gần như rất ít mang theo tiền mặt.
"Giờ ở nông thôn giàu hay nghèo thì ai cũng có điện thoại thông minh, có kết nối mạng. Người không có số tài khoản ngân hàng thì có con cái nhận thay, chỉ cần "ghé điện thoại" là chuyển được tiền. Mấy ai mà dùng tiền mặt nữa" - ông Sang nói.
Ông Sang kể rằng chính mình trước đây cũng "chậm chuyển đổi" vì cứ nghĩ sẽ rủi ro, mất tiền khi dùng tài khoản. Thói quen "sờ tận tay, nhìn tận mắt" tờ tiền thì mới an tâm đã khiến những người buôn bán nhỏ ở nông thôn như ông không dám dùng tài khoản để trao đổi mua bán.
"Con tui nó có tiệm sửa điện thoại nên nó làm cho một cái số tài khoản, đưa cho cái điện thoại rồi hướng dẫn mình sử dụng. Ban đầu có ngại nhưng giờ dùng cái này tiện hẳn, không lo mất tiền, không lo rơi rớt trong lúc di chuyển trên đường" - ông Sang nói.