Nhảy đến nội dung
 

Thuốc giả, hậu quả thật: Trách nhiệm thuộc về ai?

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định quyết tâm truy tận gốc nạn thuốc giả, quy trách nhiệm đến cùng. Không vùng cấm, không ngoại lệ trong xử lý.

Sáng 26.5, tại TP.HCM, Báo Tiền Phong phối hợp Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Trường Đại học Y dược TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề: "Thuốc giả – hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn?".

Mở đầu hội thảo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: "Thuốc giả là tội ác. Cần xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, truy trách nhiệm đến từng cá nhân để thuốc giả không còn đất sống."

Thuốc giả ngày càng tinh vi

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả hiện nay hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức, sử dụng công nghệ hiện đại như giả bao bì chống giả, mã QR giả, khiến việc phân biệt thật - giả vô cùng khó khăn, kể cả với người trong ngành.

Ông dẫn chứng các vụ việc gần đây như: thuốc giả Tetracyclin, Clorocid tại Thanh Hóa, Hà Nam; vụ kẹo rau củ Kera sử dụng người nổi tiếng để quảng bá, trục lợi từ niềm tin người bệnh. Những vụ việc này cho thấy thuốc giả đang tràn lan từ kênh truyền thống đến mạng xã hội, thậm chí được ngụy trang dưới vỏ bọc chuyên gia, bác sĩ.

Chỉ riêng năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện hơn 160 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, xử lý hàng chục đối tượng hình sự. Trong năm 2024, đã có 27 loại thuốc bị đình chỉ lưu hành, trong đó 8 loại được xác định là thuốc giả.

Thuốc giả hậu quả nghiêm trọng

Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh, hệ lụy từ thuốc giả không chỉ là thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh, gây mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu ngành dược trong nước, đe dọa sự tồn vong của doanh nghiệp chân chính.

Ông Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, nhấn mạnh rằng thuốc giả không chỉ khiến người bệnh mất tiền, mà nguy hiểm hơn là mất đi cơ hội điều trị, dẫn đến biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Đây là vấn đề đạo đức và trách nhiệm xã hội cần được nhìn nhận dưới góc độ hình sự.

Cuộc chiến trường kỳ

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thì khẳng định: "Bất kỳ ai tiếp tay, bao che, hoặc buông lỏng quản lý để thuốc giả lọt lưới đều phải bị truy trách nhiệm. Không có vùng cấm trong xử lý thuốc giả".

Ông cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác chuyên trách phòng chống thuốc giả, chỉ đạo mở đợt cao điểm từ 15.5 đến 15.6 chống thuốc, thực phẩm chức năng và sữa giả. Các công điện, chỉ thị của Thủ tướng (Công điện 41, 55, 65 và Chỉ thị 13) đã được bộ triển khai đồng bộ đến toàn ngành.

Đặc biệt, bộ đã yêu cầu 100% cán bộ y tế không sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng cáo, tiếp tay cho doanh nghiệp sai phạm.

Theo tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề ra giải pháp chống thuốc giả.

Theo ông, để chống thuốc giả hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng mức phạt, kiểm soát bán thuốc online, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.

Ông kiến nghị áp dụng công nghệ blockchain, phần mềm quản lý đơn thuốc điện tử, đồng bộ dữ liệu ngành dược toàn quốc, đồng thời tăng đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm và truyền thông cảnh báo người dân.

Tổng biên tập Phùng Công Sưởng cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến thuốc giả lộng hành là lỗ hổng pháp lý. Ông cho rằng: "Không thể chống thuốc giả bằng một chiến dịch ngắn hạn. Đây là cuộc chiến dài hơi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng".

 Hàng giả, ai chịu trách nhiệm?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: "Hàng giả từ khâu sản xuất, khâu nhập khẩu, cơ quan nào chịu trách nhiệm? Để hàng giả lưu thông trên thị trường, ai chịu trách nhiệm? Nhập khẩu thuốc giả qua cửa khẩu, hải quan, ai chịu trách nhiệm? Sản xuất thuốc giả ai chịu trách nhiệm?".

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định và kết luận: "Thuốc giả là tội ác. Không thể nhân nhượng. Chúng ta cần có một hệ thống phòng vệ pháp lý, công nghệ và đạo đức thật sự mạnh để ngăn chặn từ gốc." Ông kêu gọi toàn ngành, toàn xã hội và truyền thông đồng lòng trong cuộc chiến không khoan nhượng này.


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn