Thực hư việc người dân TP HCM được tăng định mức nước từ 4m³ lên 6m³/tháng?

Nhiều người dân nhận được cuộc gọi xưng là nhân viên của công ty cấp nước hướng dẫn cách tăng định mức nước từ 4m³ lên 6m³/người/tháng
Vừa qua, chị Ngọc Mẫn (ngụ phường Phú Thọ, TP HCM) nhận được cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là người của công ty cấp nước.
Người này thông báo gia đình chị sẽ được tăng định mức nước từ 4m³ lên 6m³/người/tháng. Sau đó, người này yêu cầu chị Ngọc Mẫn kết bạn zalo để hướng dẫn cách thực hiện tăng định mức nước.
"Tôi kết bạn thì được hướng dẫn lòng vòng, gửi đường link để cung cấp các thông tin về số tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, thông tin thanh toán hóa đơn tiền nước để thực hiện tăng định mức. Tôi thấy có dấu hiệu lừa đảo công nghệ cao nên tắt máy, chặn số của đối tượng lạ" - chị Mẫn chia sẻ.
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) gần đây, đơn vị đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng SAWACO CSKH nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Lợi dụng điều này, một số đối tượng mạo danh nhân viên cấp nước, tiếp cận khách hàng bằng nhiều thủ đoạn để lừa đảo.
Cụ thể, các đối tượng này gọi điện cho khách hàng với nội dung khẩn cấp, yêu cầu cài đặt ứng dụng SAWACO CSKH ngay lập tức theo hướng dẫn. Sau đó, gửi đường link lạ thông qua Zalo, SMS hoặc email, đề nghị cung cấp các thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, CCCD, thông tin thanh toán hóa đơn tiền nước.
Sau khi khách hàng cài đặt ứng dụng hoặc tương tác theo hướng dẫn ban đầu, các đối tượng tiếp tục kết bạn qua Zalo để gửi thêm các đường link giả mạo.
Nội dung các đường link này đề nghị khách hàng cung cấp hình ảnh giao dịch thanh toán, liên kết tài khoản ngân hàng với ứng dụng SAWACO CSKH, thanh toán tiền nước trực tiếp qua đường link. Thậm chí là đề nghị khách hàng quét mã CCCD đăng ký lại định mức nước, với lời dẫn dụ sẽ được tăng định mức sử dụng nước lên 6m³/người/tháng.
Liên quan đến việc lừa đảo qua mạng, Công an TP HCM khuyến cáo người dân cẩn thận với những cuộc gọi của người lạ, người xưng là làm việc tại công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng, cảnh sát khu vực, nhân viên điện lực, nhân viên công ty cấp nước.
Theo công an, nhiều người bị dẫn dụ cài đặt ứng dụng chứa mã độc và bị âm thầm chiếm đoạt rất nhiều tiền trong tài khoản.
Sau khi khống chế điện thoại nạn nhân, các đối tượng còn tìm cách khai thác thông tin trong danh bạ, thư viện ảnh, video clip riêng tư… để khống chế, đe dọa hoặc tiếp tục dẫn dụ các nạn nhân khác là người quen trong danh bạ.
Không chỉ thu thập dữ liệu để đánh cắp tiền, mã độc này còn chặn các tin nhắn và cho phép tin tặc kiểm soát các tài khoản của nạn nhân (Facebook, Email, Zalo…).
Vì vậy, người dân tuyệt đối không cài các ứng dụng từ các trang web, cổng thông tin bên ngoài mà chỉ nên cài trên kho ứng dụng CH Play, Apple Store. Đồng thời, không quét mã QR, không click vào link lạ hoặc cung cấp mật khẩu, thông tin cá nhân cho người lạ.