Thị trường xe điện TPHCM 'nóng' từng ngày

Với lộ trình chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện từ năm 2026, TPHCM đang mở ra một xu hướng di chuyển mới. Người dân bắt đầu tìm hiểu, cân nhắc việc “chia tay” xe xăng không chỉ vì môi trường, mà còn vì chi phí đi lại rẻ hơn, bảo dưỡng nhẹ nhàng hơn và được nhiều hãng hỗ trợ chuyển đổi.
Xe điện “nóng” từng ngày
Những ngày gần đây, các cửa hàng xe điện tại TPHCM bắt đầu nhộn nhịp hơn. Dọc các tuyến đường như Võ Thị Sáu, An Dương Vương, Quang Trung… nhiều khách hàng đến xem xe, tham khảo giá. Trong đó phần lớn khách hàng là phụ huynh tìm phương tiện cho con em đi học và các lao động phổ thông.
Một nhân viên cửa hàng xe điện trên đường Võ Thị Sáu (phường Xuân Hòa) cho biết: “Chưa vào mùa tựu trường mà lượng khách đã tăng đáng kể. Nhiều người nói nghe tin sắp tới TPHCM chuyển sang xe điện nên tranh thủ mua sớm, vừa lựa được xe ưng ý, vừa được giá ưu đãi”.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường hiện có nhiều mẫu xe đạp điện, xe máy điện với kiểu dáng phong phú và đủ nhãn hiệu từ nhập khẩu đến sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giá xe điện hiện nay khá đa dạng, từ 8 triệu đồng cho xe đạp điện, khoảng 13 – 20 triệu đồng cho xe máy điện phổ thông, và những dòng cao cấp có thể lên đến 50 triệu đồng. So với xe máy xăng , mức giá này không quá chênh lệch, nhưng chi phí vận hành lại rẻ hơn rất nhiều.
Theo các nhân viên, xe điện hiện nay có hai dòng chính: dùng bình ắc quy (phổ biến ở xe đạp điện) và dùng pin lithium (cho xe máy điện). Thời gian sạc trung bình từ 8 – 10 tiếng, quãng đường đi được mỗi lần sạc khoảng 70 – 80km.
Ngoài ra, xe điện còn có ưu điểm là ít hỏng vặt, không cần thay nhớt, dễ điều khiển, phù hợp với phụ nữ, người lớn tuổi và học sinh. Các hãng cũng đưa ra chế độ bảo hành pin từ 18 tháng trở lên, bảo dưỡng đơn giản.
TPHCM có kế hoạch thay thế 400.000 xe xăng sang xe điện với lộ trình 4 giai đoạn, kể từ năm 2026 . Chính quyền cũng tính toán các chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế hoặc thu xe cũ đổi xe mới để giúp người dân dễ tiếp cận.
Bà Lê Thị Thương, chủ cửa hàng xe điện tại phường Tân Đông Hiệp nói rằng, trước đây cả tuần mới bán được một xe, giờ ngày nào cũng có khách đến hỏi giá, có hôm bán tới 2 – 3 chiếc. Khách mua chủ yếu là phụ huynh và công nhân.
Theo bà Thương, nếu thành phố có thêm chính sách hỗ trợ tài chính như đổi xe cũ lấy xe điện, giảm giá hoặc hỗ trợ lãi suất, lượng khách chuyển đổi chắc chắn sẽ tăng mạnh. “Nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã đến hỏi mua, nhưng vẫn còn chờ xem thành phố có hỗ trợ gì không đã” - bà Thương nói.
Có ý định đổi xe điện để đi làm, tuy nhiên chị Hoài Vy (ngụ phường Thanh Đa) nói rằng, chung cư không đem xe điện lên phòng để sạc, cũng chưa bố trí trạm sạc nên dù rất muốn đổi xe cũng khó.
Các hãng xe đẩy mạnh ưu đãi
Đón đầu xu hướng chuyển đổi, nhiều hãng xe máy điện đã triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Hãng VinFast thực hiện chiến dịch “Đổi xăng lấy điện” tại nhiều tỉnh, hỗ trợ định giá xe cũ, giảm giá xe điện và tặng gói sạc miễn phí tại trạm V-GREEN đến hết tháng 5/2026 – tương đương một năm sử dụng xe gần như không tốn tiền.
Hãng Yadea cũng cho biết sẽ mua lại xe máy cũ của khách hàng, đổi sang xe máy điện mới với giá hỗ trợ chỉ từ 9 – 10 triệu đồng/chiếc, tặng kèm phiếu quà tặng, bảo hành lên đến 3 năm.
Honda Việt Nam cũng đã bắt đầu thử nghiệm mô hình xe máy điện tại thị trường trong nước với hai mẫu: Honda ICON e: (bán với giá từ 26,8 triệu đồng) và Honda CUV e: – mẫu xe không bán mà chỉ cho thuê. Theo đó, người dùng có thể thuê xe với mức phí khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, kèm theo 2 pin và 2 sạc. Nếu thuê gói 6 tháng, chi phí tổng cộng gần 8,8 triệu đồng, sau đó có thể gia hạn 3 tháng một lần với giá hơn 4,4 triệu đồng/kỳ.