Thanh tra Chính phủ đề nghị 'siết' quản lý thuế với người bán hàng online

Thanh tra Chính phủ đề nghị bổ sung các cơ chế quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân có phát sinh các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về hồ sơ chính sách dự án luật Quản lý thuế (thay thế) vừa được Bộ Tài chính công bố.
Góp ý cho dự luật, Thanh Tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc nghiên cứu, bổ sung các cơ chế quản lý, giám sát và kiểm tra hoạt động kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân có phát sinh các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
"Hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội không đăng ký mã số thuế (của các nhà cung cấp dịch vụ Google, Facebook, Youtube, Zalo... ), trong khi chưa có quy định để kiểm soát việc thanh toán dẫn đến tình trạng thất thu thuế đối với các loại hình kinh doanh nêu trên", Thanh tra Chính phủ phân tích lý do đưa ra đề nghị.
Theo Bộ Tài chính, luật số 56/2024/QH15 đã quy định: đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài, nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong 3 năm gần nhất (từ năm 2022 - 2024) là 296.000 tỉ đồng. Kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số khác trong 6 tháng đầu năm nay là 98.000 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện nay, Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo luật Thương mại điện tử. Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến đề nghị bổ sung các yêu cầu về cung cấp thông tin của các chủ thể, người bán, nền tảng thương mại điện tử trung gian, tổ chức cung cấp dịch vụ logistics, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán.
Đề xuất đưa vào quy định bắt buộc các chủ thể hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán dành riêng cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
"Những quy định này sẽ khắc phục được tình trạng thất thu thuế do có thể kiểm soát được thông tin về các giao dịch thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới", Bộ Tài chính khẳng định.
Đề xuất cơ chế quản lý thuế với công nghiệp công nghệ số
Ngày 14.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số nội dung liên quan đến nghĩa vụ thuế, miễn giảm thuế đối với tài sản số như sản phẩm bán dẫn, tài sản mã hóa, dịch vụ công nghệ số...
Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc nghiên cứu, bổ sung đề xuất về cơ chế quản lý thuế đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp.
Hồi đáp nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết số18-NQ/TW, ngành thuế đang sắp xếp lại mô hình quản lý, chuyển từ quản lý theo chức năng sang quản lý theo đối tượng và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ.
Do vậy, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bán dẫn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số, đơn vị phát hành hoặc sở hữu tài sản mã hóa (NFT, token, tài sản số khác) cũng sẽ thuộc đối tượng quản lý thuế.
Cơ quan thuế sẽ phải nghiên cứu áp dụng quản lý rủi ro chuyên biệt với tiêu chí phù hợp với tính chất ngành: tốc độ phát triển nhanh, phi vật chất, dễ chuyển giao giá trị, khó định danh chính xác của đối tượng người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.