Nhảy đến nội dung
 

Thảm kịch hàng không Air India: Cả hai công tắc nhiên liệu bị ngắt không thể do vô tình

Việc cả hai công tắc nhiên liệu của chuyến bay Boeing 787 Dreamliner đồng loạt bị ngắt ngay sau khi cất cánh khiến giới điều tra đang nghiêng về giả thuyết đó là hành động có chủ đích.

Báo cáo sơ bộ về thảm kịch hàng không Ấn Độ khiến 241 người thiệt mạng trên chuyến bay Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không Air India đã hé lộ một chi tiết đặc biệt gây chú ý: cả hai công tắc điều khiển nhiên liệu của chiếc máy bay đã đồng thời bị chuyển sang chế độ "ngắt nhiên liệu" chỉ vài giây sau khi máy bay rời mặt đất.

Điều đáng nói, loại công tắc này không thể bị gạt nhầm một cách vô tình.

Với thiết kế cơ khí có khóa an toàn, thao tác chuyển chế độ đòi hỏi một hành động chủ động từ người có kiến thức. Nếu không phải do lỗi thiết bị - mà báo cáo sơ bộ cho thấy là không phải - thì câu hỏi đặt ra là: ai đã thao tác những công tắc đó, và vì lý do gì?

Không thể gạt nhầm

Theo báo cáo sơ bộ do Cục Điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ công bố, hai công tắc nhiên liệu của máy bay đều được chuyển từ chế độ RUN (hoạt động) sang CUTOFF (ngắt) chỉ cách nhau đúng 1 giây, dẫn đến việc mất lực đẩy ở cả hai động cơ gần như đồng thời.

Dữ liệu buồng lái ghi lại phản ứng bất ngờ của hai phi công có mặt khi ấy: một người hỏi vì sao công tắc lại bị chuyển, trong khi người còn lại khẳng định anh không hề làm vậy. Một giây sau đó, máy bay bắt đầu mất độ cao.

Các công tắc sau đó được bật lại nhưng động cơ không thể phục hồi đủ lực đẩy để tránh thảm họa.

Đáng chú ý, các chuyên gia hàng không khẳng định hành động tắt công tắc nhiên liệu không thể là thao tác vô tình, theo Đài CNA.

Ông Chow Kok Wah, cựu giám đốc kỹ thuật của một hãng hàng không, giải thích: "Bạn không thể chỉ vô tình chạm nhẹ là bật được công tắc. Phải kéo lên, vượt qua một chốt kim loại, rồi mới có thể gạt sang chế độ khác".

Tương tự, ông Eshan Khalid, cựu phi công, cũng nhấn mạnh đây là loại công tắc yêu cầu hành động có chủ đích và người thực hiện nó phải hiểu biết: "Không có khả năng cả hai công tắc bị gạt do vô tình, lại còn gần như cùng lúc. Điều này buộc chúng ta phải xem xét đến yếu tố con người".

Loại trừ khả năng trục trặc kỹ thuật

Nhiều chuyên gia lập luận rằng nếu có lỗi kỹ thuật khiến công tắc tự gạt sang chế độ ngắn thì không thể cùng lúc xảy ra ở cả hai động cơ - vốn được thiết kế tách biệt hoàn toàn để ngăn sự cố lan rộng.

Bản thân ông Chow, người từng tham gia thiết kế và bảo dưỡng máy bay, cho rằng khả năng hỏng hóc kỹ thuật cùng lúc ở hai công tắc là cực kỳ thấp, gần như không thể xảy ra.

Dữ liệu cũng cho thấy khi các công tắc được bật lại sang chế độ hoạt động. Ít nhất một động cơ đã bắt đầu khởi động lại - tức hệ thống điều khiển nhiên liệu vẫn hoạt động bình thường. Điều này càng củng cố khả năng ban đầu công tắc bị gạt đi không phải do lỗi thiết bị, mà do một thao tác có chủ đích.

Một giả thuyết khác được đưa ra là lỗi trong van đóng nhiên liệu (fuel shutoff valve), có thể gây mất tín hiệu điều khiển. Tuy nhiên, các điều tra viên vẫn chưa phát hiện bằng chứng cho thấy sự cố này đã xảy ra trên máy bay AI171.

Trong khi đó, dữ liệu từ máy ghi âm buồng lái không cho thấy căng thẳng hay dấu hiệu bất thường giữa hai phi công, cũng không có cảnh báo từ hệ thống kiểm tra sức khỏe trước chuyến bay.

Các hiệp hội phi công quốc tế đã lên tiếng kêu gọi không vội vàng quy kết lỗi cho con người trước khi có kết luận điều tra cuối cùng. Báo cáo sơ bộ do Cục Điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ công bố ngày 12-7 cũng khẳng định vụ tai nạn nhiều khả năng không bắt nguồn từ lỗi của phi công.

Công tắc nhiên liệu tưởng chừng chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng trong vụ rơi máy bay thảm khốc này, nó đang dần trở thành trung tâm của cuộc điều tra. Tính chất cơ học của thiết bị, dữ liệu thời gian thực từ hộp đen, và phản ứng của phi công đều cho thấy đây không phải là một sai sót vô tình.

Dù nguyên nhân chính thức vẫn chưa được công bố, báo cáo sơ bộ đã thu hẹp phạm vi điều tra vào hai khả năng chính: hành động có chủ ý từ bên trong buồng lái, hoặc một lỗi kỹ thuật cực kỳ hiếm gặp và chưa từng được ghi nhận đồng thời ở cả hai động cơ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn