Thảm họa tài chính sắp ập đến với Tesla: Một nguồn thu tỷ USD có thể mất hẳn, dòng tiền sẽ giảm 75%, chuỗi ngày thua lỗ triền miên đang tới rất gần

Đế chế của Elon Musk đang gặp phải rắc rối lớn.
Trong nhiều năm, Tesla đã kiếm hàng tỷ USD từ các đối thủ chỉ nhờ việc bán xe điện. Nhưng nguồn thu béo bở đó sắp biến mất - đúng lúc công ty có thể đang cần nó nhất.
Doanh thu từ việc bán tín chỉ khí thải đã là một nguồn thu lớn của hãng xe này, vốn đang đối mặt với sự sụt giảm cả về doanh số lẫn lợi nhuận. Các hãng xe truyền thống thường mua tín chỉ từ Tesla để tiếp tục bán các mẫu xe chạy xăng – vốn sẽ vi phạm quy định về khí thải và khiến họ phải nộp phạt nếu không mua.
Tuy nhiên, dự luật thuế và chi tiêu do Đảng Cộng hòa thông qua hồi đầu tháng này đã loại bỏ khoản phạt tài chính dành cho các hãng xe vi phạm quy định khí thải. Điều đó đồng nghĩa với việc các hãng xe không còn động lực để mua tín chỉ khí thải từ Tesla nữa.
Việc mất đi nguồn thu từ tín chỉ khí thải không được dư luận chú ý nhiều như những tranh cãi xung quanh CEO Elon Musk và Tổng thống Donald Trump, hay việc chấm dứt khoản tín dụng thuế 7.500 USD dành cho người mua xe điện. Tuy nhiên, nếu Tesla không còn khoản doanh thu từ tín chỉ khí thải trên bảng cân đối kế toán, điều đó có thể là thảm họa cho tương lai tài chính của công ty - thậm chí có thể khiến công ty rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài.
Theo một báo cáo gần đây từ các nhà phân tích tại William Blair & Co., các hãng xe “không đạt chuẩn sẽ không còn bị phạt, điều này loại bỏ nhu cầu thị trường đối với tín chỉ của Tesla”. Nhóm phân tích này dự đoán doanh thu từ tín chỉ khí thải của Tesla sẽ giảm 75% vào năm tới và biến mất hoàn toàn vào năm 2027.
Điều đó sẽ “tác động trực tiếp đến lợi nhuận của Tesla”, báo cáo nêu rõ.
Tesla đã không đưa ra bình luận nào với CNN về thay đổi liên quan đến doanh thu từ tín chỉ khí thải.
Cho đến nay, Mỹ – giống như nhiều quốc gia khác – đã áp dụng hệ thống tín chỉ để khuyến khích các hãng xe tuân thủ quy định về môi trường. Hệ thống này thưởng tín chỉ cho các hãng xe đạt chuẩn khí thải và phạt tiền những hãng không đạt. Các hãng xe chuyên bán xe chạy xăng có thể mua tín chỉ từ các hãng bán xe phát thải thấp như Tesla để tránh bị phạt.
Riêng với Tesla, chỉ tính từ năm 2019, công ty đã thu về 10,6 tỷ USD nhờ bán tín chỉ khí thải. Có những quý, doanh thu từ tín chỉ khí thải còn cao hơn cả thu nhập ròng – nghĩa là nếu không có khoản này, Tesla đã bị lỗ.
Vào giai đoạn đầu, khi Tesla vẫn đang cố gắng mở rộng sản xuất xe điện, tín chỉ khí thải từng là "phao cứu sinh" giúp công ty duy trì hoạt động trong bối cảnh khủng hoảng dòng tiền nghiêm trọng.
“Chính doanh thu từ tín chỉ khí thải là lý do Tesla tồn tại đến ngày nay”, theo nhận định của Gordon Johnson – một trong những nhà phân tích phố Wall chỉ trích Tesla gay gắt nhất.
Trong hầu hết bốn năm qua, Tesla vẫn ghi nhận lãi ròng vượt mức doanh thu từ tín chỉ khí thải, dù khoản tín chỉ này vẫn mang về hàng tỷ USD. Nhưng biên lợi nhuận của công ty đã mỏng đi kể từ khi đạt đỉnh vào đầu năm 2022, khiến tín chỉ khí thải trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, mất đi doanh thu từ tín chỉ khí thải chỉ là một trong nhiều vấn đề mà Tesla đang gặp phải. Công ty đã báo cáo mức sụt giảm doanh số kỷ lục trong hai quý gần đây do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường xe điện và làn sóng tẩy chay từ một bộ phận người tiêu dùng không hài lòng với các hoạt động chính trị của CEO Elon Musk. Trong quý đầu năm nay, lợi nhuận Tesla đã lao dốc và dự kiến sẽ tiếp tục giảm mạnh trong báo cáo tài chính quý hai sẽ công bố vào thứ tư tới.
Nguồn thu từ tín chỉ khí thải có thể chưa chấm dứt ngay lập tức nếu các hãng xe truyền thống vẫn tôn trọng các hợp đồng dài hạn đã ký với Tesla. Nhưng theo ông Johnson, một số hãng có thể sẽ tìm cách chấm dứt sớm các hợp đồng mua tín chỉ này.
Ông dự đoán rằng doanh thu từ tín chỉ khí thải của Tesla có thể biến mất sớm nhất là vào quý 3 năm nay hoặc đầu năm 2026. Và điều đó, theo ông, có thể khiến Tesla quay trở lại chuỗi báo cáo thua lỗ theo quý.
“Nếu không có doanh thu từ tín chỉ khí thải, Tesla sẽ thua lỗ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi”, ông nói.
Theo: CNN