Thái Lan nói ngừng bắn với Campuchia 'phải kèm điều kiện'

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai và Thủ tướng Campuchia Hun Manet dự kiến tới Malaysia vào tối 28/7 để đàm phán về cuộc xung đột biên giới đang nổ ra giữa hai nước. Giao tranh giữa quân đội Campuchia và Thái Lan nổ ra từ ngày 24/7, tới nay đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng, hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở cả hai bên.
Trước thềm vòng đối thoại tại Kuala Lumpur, Bộ Ngoại giao Thái Lan dẫn lời quyền Thủ tướng Phumtham cho biết Bangkok sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, nhưng nhấn mạnh về "thành ý" từ phía Phnom Penh.
Trước đó, ông Phumtham cũng đặt ra một số điều kiện để đàm phán ngừng bắn, gồm nước láng giềng "thể hiện cam kết không bội ước và đã sẵn sàng đối thoại" để chấm dứt xung đột, đồng thời rút quân đội và vũ khí tầm xa khỏi biên giới với khoảng cách không còn đe dọa dân thường Thái Lan.
Ông cáo buộc Phnom Penh trước đây cũng từng đề nghị ngừng bắn, nhưng sau đó lại không giữ lời. Quyền Thủ tướng Thái Lan cho hay binh sĩ nước này sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước, cho đến khi vô hiệu hóa mối đe dọa chống lại dân thường.
Trước đó, Thủ tướng Hun Manet cho hay Campuchia đồng ý với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về "lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện" với Thái Lan. Ông Trump tối 26/7 điện đàm với lãnh đạo hai nước để thúc đẩy lệnh ngừng bắn.
Trong phiên tham vấn khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 25/7, phái đoàn Campuchia do Đại sứ Chhea Keo dẫn đầu cũng kêu gọi hai nước cùng ngừng bắn "ngay lập tức và vô điều kiện", giải quyết hòa bình bất đồng tại khu vực biên giới, kiềm chế tối đa và tìm kiếm giải pháp ngoại giao.
Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan ngày 27/7 cho biết Thái Lan và Campuchia đã tin tưởng Malaysia và đề nghị nước này làm trung gian hòa giải. Malaysia đang là nước Chủ tịch ASEAN 2025.
Jirayu Huangsap, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, công bố danh sách phái đoàn đến Malaysia hôm nay sẽ gồm quyền Thủ tướng Phumtham, Ngoại trưởng Maris Sangiampongsa, Thứ trưởng Quốc phòng Natthapon Nakpanich, Chánh văn phòng Thủ tướng Prommin Lertsuridej. Jirayu cũng tham gia phái đoàn, với tư cách thành viên Trung tâm Hoạt động Đặc biệt về Ứng phó tình hình Biên giới Thái Lan - Campuchia (SOC-TCBSM).
Phía Campuchia chưa công bố danh sách phái đoàn đàm phán. Các cuộc họp sẽ diễn ra tại Văn phòng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Kuala Lumpur.
Hai bên sẽ tập trung vào "tìm hiểu những con đường hướng đến quyết định tái lập hòa bình", theo Jirayu. Phái đoàn Thái Lan sẽ tái khẳng định "lập trường kiên định về bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Theo Jirayu, trong cuộc đàm phán, Thái Lan sẽ sử dụng bản đồ với tỷ lệ 1:50.000, trái với tin đồn trên truyền thông rằng Bangkok có thể nhượng bộ Phnom Penh và chấp nhận đề xuất sử dụng bản đồ tỷ lệ 1:200.000 cho khu vực biên giới.
Nikorndej Balankura, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, nhấn mạnh Bangkok mong muốn giải quyết vấn đề biên giới một cách hòa bình thông qua đối thoại.
"Tuy nhiên, trước khi chúng ta đạt đến mức này, Campuchia cần thể hiện thiện chí chân thành và có hành động thực chất nhằm xây dựng niềm tin với Thái Lan", Nikorndej nói.
Campuchia chưa bình luận về thông tin này.
Trong những ngày qua, Thái Lan - Campuchia cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hạng nặng tập kích qua biên giới, gây thương vong cho dân thường và hư hại nhà cửa. Đây là cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong hơn một thập kỷ qua.
Thanh Danh (Theo Thai PBS, Nation, Guardian)