Tạo được chất chống ung thư mạnh mẽ từ cỏ ngọt với lá chuối

Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học International Journal of Molecular Sciences, các nhà khoa học đã tạo được một chất chống ung thư mạnh mẽ bằng công nghệ lên men cỏ ngọt với men vi sinh từ lá chuối.
Lên men cỏ ngọt với men vi sinh có nguồn gốc từ lá chuối sẽ biến nó thành một tác nhân chống ung thư mạnh mẽ, tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tụy mà không gây hại cho tế bào khỏe mạnh. Bí mật nằm ở một chất chuyển hóa được tạo ra thông qua quá trình chuyển đổi vi khuẩn.
Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Hiroshima (Nhật), khi lên men với vi khuẩn phân lập từ lá chuối, chiết xuất cỏ ngọt có thể tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tụy nhưng không gây hại cho tế bào thận khỏe mạnh.
Trên toàn cầu, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tuyến tụy tiếp tục gia tăng, với tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ dưới 10%, đồng tác giả - Phó giáo sư Narandalai Danshiitsoodol, từ Khoa Khoa học Men vi sinh Y học Dự phòng, Trường Cao học Y sinh và Khoa học Sức khỏe, thuộc Đại học Hiroshima, cho biết. Ung thư tuyến tụy có tính xâm lấn cao và dễ di căn, kháng thuốc mạnh mẽ với các phương pháp điều trị hiện có, như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Do đó, tìm ra các hợp chất chống ung thư mới và hiệu quả, đặc biệt là các hợp chất có nguồn gốc từ cây thuốc, là một nhu cầu cấp thiết.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chiết xuất lá cỏ ngọt thể hiện tiềm năng như một loại thuốc chống ung thư, nhưng việc phân lập và ứng dụng các thành phần hoạt tính sinh học cụ thể giúp bảo vệ chống lại tế bào ung thư vẫn còn nhiều thách thức, Giáo sư Danshiitsoodol cho biết. Tuy nhiên, quá trình lên men với vi khuẩn từ lá chuối có thể làm thay đổi cấu trúc của chiết xuất và tạo ra các chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học cao, theo trang tin khoa học Scitech Daily.
Để tăng cường hiệu quả dược lý của chiết xuất thực vật tự nhiên, một chiến lược hiệu quả mới nổi là lên men vi sinh, đồng tác giả, Giáo sư Masanori Sugiyama, từ Khoa Khoa học Probiotic Y học Dự phòng, Trường Cao học Khoa học Y sinh và Sức khỏe, cho biết.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đặt mục tiêu so sánh chiết xuất lên men bằng vi khuẩn axit lactic và không lên men để xác định các hợp chất chính giúp tăng cường hoạt tính sinh học, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của y học thảo dược trong phòng ngừa và điều trị ung thư.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã lên men chiết xuất lá cỏ ngọt với chủng Lactobacillus plantarum SN13T có nguồn gốc từ lá chuối. Sau đó so sánh tác dụng của nó với tác dụng của chiết xuất cỏ ngọt không lên men - trên tế bào ung thư tuyến tụy trong phòng thí nghiệm, cùng với tế bào thận khỏe mạnh.
Kết quả cho thấy chiết xuất lên men thể hiện độc tính tế bào cao hơn rất nhiều so với chiết xuất không lên men, cho thấy quá trình lên men làm tăng cường hoạt tính sinh học của chiết xuất, Giáo sư Sugiyama cho biết.
Đáng chú ý, chiết xuất lên men thể hiện độc tính thấp hơn đối với tế bào thận khỏe mạnh, ngay cả nồng độ thử nghiệm cao nhất cũng chỉ có tác dụng phụ tối thiểu, cho thấy chất này không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh, theo Scitech Daily.
Các phân tích bổ sung đã xác định este metyl axit chlorogenic (CAME) là hợp chất chống ung thư có hoạt tính. Dữ liệu chứng minh rằng CAME thể hiện độc tính cự kỳ mạnh mẽ đối với tế bào và tác dụng thúc đẩy quá trình tự chết tế bào (apoptosis) - thúc đẩy tế bào chết - đối với tế bào ung thư tuyến tụy.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu cho biết họ có kế hoạch nghiên cứu tác dụng trên mô hình chuột để hiểu rõ hơn về hiệu quả của các liều lượng khác nhau trên toàn bộ hệ thống cơ thể.