Tăng thêm phương tiện cấp cứu ngoại viện: Không để cấp cứu đường thủy bị lãng quên

Với vị trí địa lý giáp sông, gần biển nhưng việc phát triển hệ thống cấp cứu đường thủy tại TP.HCM vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu phương tiện cấp cứu đáp ứng nhu cầu người dân.
Ngành y tế TP.HCM mới sau khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đứng trước một thách thức lớn khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện còn hạn chế.
Nhu cầu lớn nhưng chưa đáp ứng hết
Riêng tại TP.HCM cũ, theo thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115, cho thấy số cuộc gọi vào đầu số 115 đã tăng nhanh chóng từ 7.905 cuộc gọi năm 2014 lên 348.752 cuộc gọi năm 2022, cao nhất là hơn 414.000 cuộc gọi năm 2021.
Thế nhưng, tổng số xe cấp cứu của TP chỉ hơn 40 xe, trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cứ mỗi 100.000 dân cần có một xe cứu thương. Như vậy, TP cần đến 130 xe cứu thương.
Điều đáng nói hơn là mạng lưới cấp cứu 115 hiện nay của TP tiếp cận hiện trường chỉ bằng phương tiện đường bộ với hai phương tiện chính là ô tô cứu thương và mô tô hai bánh cứu thương (mô hình này mới chỉ thí điểm được ở 5 bệnh viện).
Còn với dịch vụ cấp cứu bệnh nhân bằng đường hàng không, Bệnh viện Quân y 175 vận hành từ năm 2018 đến nay, nhưng chủ yếu vận chuyển từ ngoài biển vào, chưa triển khai trên đất liền.
Có thể nói hệ thống cấp cứu đường bộ hiện nay tại TP đang rơi vào tình trạng "quá tải". Sau sáp nhập thêm Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, dân số TP từ 9,9 triệu người sẽ tăng lên hơn 13,7 triệu người, hệ thống cấp cứu cho toàn địa bàn chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.
Phân tích về thực trạng mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại TP, BS Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, cho biết hiện TP.HCM có 45 trạm cấp cứu vệ tinh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Nguyên nhân do các trạm vệ tinh đóng tại các cơ sở y tế, nhưng một số nơi mật độ cơ sở y tế lại rất thưa thớt như Cần Giờ, Bình Chánh.
Đã đến lúc cần chi viện
Tháng 4-2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó nhấn mạnh, để đáp ứng được nhu cầu cấp cứu của người dân TP việc bổ sung phương tiện cấp cứu và phát triển các loại hình tiếp cận hiện trường khác nhau như đường thủy, đường hàng không rất quan trọng.
Đặc biệt, khi TP có đặc điểm địa lý với nhiều sông ngòi, kênh rạch, giáp biển và có các đảo xa đất liền và tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ thường xuyên xảy ra.
Trong giai đoạn 1 từ 2023 - 2026, TP.HCM sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ, đầu tư một tàu cứu thương trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho bà con, nhất là khu vực xã đảo xa xôi.
Sau năm 2026, mở rộng mô hình cấp cứu bằng đường thủy tại trung tâm TP với bến đỗ tại Bạch Đằng và bổ sung một tàu cấp cứu đường thủy theo nhu cầu phát triển của TP.
Khi đó, hệ thống cấp cứu đường thủy sẽ đáp ứng trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp, đe dọa tính mạng trên đường thủy nội địa, vùng giáp biển, đảo và vùng sâu, vùng xa hoặc vượt quá khả năng của các cơ sở y tế đang điều trị, đòi hỏi phải chuyển ngay đến các bệnh viện tuyến sau mà các phương tiện đường hàng không không thể đáp ứng.
Hiện nay, Cần Giờ đang được đầu tư trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, xây dựng cảng nước sâu làm trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Chính vì vậy, việc triển khai mô hình cấp cứu bằng đường thủy là thật sự cần thiết nhằm cung cấp dịch vụ cấp cứu kịp thời cho người dân, đảm bảo phát triển bền vững cho Cần Giờ và khu vực lân cận.
Cấp cứu đường thủy cần sớm triển khai
Theo BS Nguyễn Duy Long, không chỉ riêng TP.HCM, tại nhiều địa phương việc đầu tư và phát triển hệ thống cấp cứu đường thủy là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, sau khi TP.HCM sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu, bắt buộc phải đầu tư hệ thống cấp cứu đường thủy, vì lúc này phạm vi cấp cứu không chỉ ở xã đảo Thạnh An, mà còn đáp ứng nhu cầu ở các cảng biển.
"Hiện có một số bệnh viện, nhất là bệnh viện có vị trí giáp sông, vùng ven như quận 12, Bình Chánh cho biết sẵn sàng tham gia vào hệ thống cấp cứu đường thủy để vận chuyển người bệnh nhanh nhất... Do đó, đầu tư cho cấp cứu đường thủy tại TP rất cần thiết và cần được triển khai sớm", ông Long nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Anh Đức, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cấp cứu đường thủy là một nhu cầu quan trọng.
Nếu muốn triển khai hệ thống cấp cứu đường thủy, phải tính toán kỹ lưỡng về loại phương tiện cần đầu tư, cách sử dụng sao cho hiệu quả, ai sẽ vận hành, ai chịu trách nhiệm quản lý. "Tàu cấp cứu trang bị ra sao? Nhân lực vận hành là ai? Hoạt động trong tình huống nào?... Tất cả đều phải nghiên cứu nghiêm túc".
Ông Đức cũng cho biết Bộ Y tế chắc chắn sẽ đưa nội dung cấp cứu đường thủy vào đề án cấp cứu ngoại viện đang xây dựng. Tuy nhiên quá trình này không thể vội vàng mà cần điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, dựa trên nhu cầu thực tiễn của từng khu vực. Với người dân sống tại các vùng biển đảo, đặc biệt là ở các đảo lớn, hiện đã có hệ thống cấp cứu y tế cơ bản.
Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn, đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ cấp cứu kịp thời, an toàn dù ở trên biển hay đất liền.