Nhảy đến nội dung
 

Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Bộ Y tế đang dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Sau 15 năm thực hiện, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về thực phẩm. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy một số quy định của Luật ATTP đã không còn phù hợp yêu cầu quản lý, tạo ra một số vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật ATTP để phù hợp với chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là rất cần thiết.

Trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã nhấn mạnh nhiệm vụ: Bộ Y tế hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quy định về kiểm soát ATTP dựa trên đánh giá nguy cơ, quản lý rủi ro, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.

Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính

Cụ thể về sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, nguyên liệu làm thực phẩm, bán thành phẩm thực phẩm, thực phẩm giả, kiểm nghiệm, thử nghiệm…

Lý do, sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các hướng dẫn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX); tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số đơn vị có liên quan.

Sửa đổi, bổ sung một số chính sách phù hợp với thực tiễn, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Phát triển hệ thống thông tin thực phẩm, tăng cường quản lý thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc thực phẩm (TXNGTP) và kiểm soát thực phẩm.

Ngoài ra, bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách này để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai trực tiếp.

Lý do hiện nay việc kinh doanh thực phẩm được thực hiện ngoài các kênh truyền thống thì còn phát triển mạnh trên hệ thống thương mại điện tử. Do vậy, các chính sách tập trung vào việc quản lý việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử chặt chẽ.

Đặc biệt là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia là cơ sở dữ liệu chung để thực hiện việc TXNGTP và kiểm soát thực phẩm bảo đảm một đầu mối quản lý; phù hợp với xu thế quản lý chung của thế giới.

Bổ sung một số hành vi nghiêm cấm khi thực hiện quảng cáo, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử như quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng; Sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, ý kiến của người bệnh, lời nói, bài viết của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Nghiêm cấm tiết lộ thông tin người mua hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin để truy xuất hàng hóa theo quy định khi thực hiện kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Lý do nhằm giải quyết vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn, tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đà Nẵng truy xuất nguồn gốc chiều rộng và chiều sâu

Về quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Chính phủ quy định chi tiết về loại thực phẩm phải đăng ký quảng cáo dựa trên đánh giá nguy cơ; thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp, thu hồi giấy phép quảng cáo.

Quy định về ghi nhãn thực phẩm phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc ghi nhãn. Giao Chính phủ quy định về in mã vạch, mã QRCode để quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Lý do nhằm thiết kế lại để bảo đảm chủ trương xây dựng Luật khung và Chính phủ quy định chi tiết; để quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Bà Ngô Thị Kim Thương, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu (BQL ATTP TP.Đà Nẵng), cho biết đối với công tác TXNGTP trên địa bàn TP.Đà Nẵng, thời gian qua đơn vị đã triển khai, kiểm tra, giám sát quản lý và vận hành cả chiều rộng và chiều sâu tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, chuỗi cung ứng thịt, trứng…

Trong năm 2025, Tổ TXNGTP đã triển khai nhiều nội dung quan trọng, như phối hợp Sở Y tế, Sở GD-ĐT tập huấn, hướng dẫn đảm bảo ATTP, triển khai hệ thống TXNGTP cho căn tin các trường ĐH, CĐ, bệnh viện; phối hợp Hội Nông dân địa phương nâng cao kiến thức ATTP gắn liền với an ninh lương thực và TXNGTP cho các tổ chức hội đoàn thể trên địa bàn thành phố.

BQL ATTP còn tổ chức gian hàng truyền thông ATTP và TXNG tại các khu vực du lịch, hội chợ, triển lãm…

Tổ TXNGTP cũng đã đào tạo, hướng dẫn cập nhật phần mềm cho các cơ sở mới tham gia, các cơ sở giáo dục, cơ sở du lịch, bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn chế biến sẵn, các siêu thị, trung tâm thương mại…

Tại 23 chợ được công nhận đủ điều kiện ATTP, đội ngũ cán bộ quản lý, hộ kinh doanh thịt, trứng cũng được hướng dẫn vận hành hệ thống TXNGTP…

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn