Tài xế bị trừ hết điểm GPLX, thi lại thế nào để được lái xe tiếp?

Nếu bị trừ 'hết sạch' 12 điểm giấy phép lái xe, tài xế cần làm gì để được khôi phục điểm và tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông?
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định mỗi giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có 12 điểm, người có GPLX sẽ bị trừ điểm mỗi khi vi phạm giao thông. Số điểm trừ mỗi lần tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Nếu bị trừ hết điểm GPLX, tài xế không được lái xe theo GPLX đó nữa. Sớm nhất 6 tháng sau, tài xế mới được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm GPLX.
Trên mạng xã hội, thời gian qua, các chủ đề liên quan đến trừ điểm GPLX được thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến thắc mắc về quy trình, thủ tục của việc "thi lại" để phục hồi điểm GPLX.
"Người vi phạm phải đến đâu, liên hệ với ai để thi, có cần ôn luyện hay đăng ký thủ tục gì hay không…", anh Nguyễn Long (37 tuổi, trú tại Hà Nội) đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Thông báo định kỳ vào ngày 25 của tháng
Cách đây ít ngày, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) có văn bản chỉ đạo phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về công tác tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phục hồi điểm GPLX cho người dân.
Theo đó, định kỳ trước ngày 25 của tháng, phòng CSGT thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của công an tỉnh, thành phố về dự kiến ngày tổ chức kiểm tra của tháng tiếp theo để người dân lựa chọn và đăng ký kiểm tra.
Phòng CSGT tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bằng hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp vào các ngày làm việc trong tuần, hướng dẫn người dân đăng ký kiểm tra.
Trước ngày kiểm tra ít nhất 2 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo cho người đã đăng ký kiểm tra trước đó về thời gian, địa điểm kiểm tra qua địa chỉ email, tin nhắn điện thoại hoặc các hình thức khác phù hợp, đảm bảo người dân nhận được đầy đủ và kịp thời thông tin về thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra.
Thông tin thêm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết nội dung, cách thức, quy trình kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phục hồi điểm GPLX được quy định tại Thông tư 65/2024 của Bộ Công an.
Theo đó, 2 cơ quan có thẩm quyền kiểm tra gồm Cục CSGT và phòng CSGT công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Nội dung thi gồm những gì?
Luật sư Hùng cho hay, có 2 nội dung cần kiểm tra. Một là, kiểm tra lý thuyết theo dạng câu hỏi sát hạch lý thuyết tương tự như thi cấp GPLX, hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Hai là, mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính.
Với kiểm tra lý thuyết, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài tương ứng với hạng GPLX của người tham gia kiểm tra. Cần lưu ý rằng, đề kiểm tra lý thuyết sẽ có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt, người tham gia kiểm tra nếu trả lời sai câu hỏi này thì dù có đủ điểm để qua cũng không được tính là đạt yêu cầu.
Với kiểm tra mô phỏng, thời gian không quá 10 phút. Bài kiểm tra được thiết kế dưới dạng 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông. Mỗi câu hỏi là 1 tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, có số điểm tối đa là 5 điểm và số điểm tối thiểu là 0 điểm, tùy thuộc vào thời điểm nhận biết, xác định tình huống và thao tác trên máy tính của người tham gia kiểm tra. Nếu đạt từ 35/50 điểm trở lên là qua.
Vẫn theo luật sư Hùng, người bị trừ hết điểm GPLX cần chuẩn bị hồ sơ để tham gia kiểm tra, gồm: đơn đề nghị kiểm tra theo mẫu, giấy khám sức khỏe còn giá trị sử dụng. Hồ sơ có thể nộp bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Người dự kiểm tra có mặt theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo và sử dụng một trong các loại giấy tờ: thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, GPLX, giấy chứng nhận căn cước, thẻ thường trú, thẻ tạm trú để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu thông tin với thông tin trong đơn đề nghị.
Trường hợp thông tin của người dự kiểm tra có trong căn cước điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia thì khai thác, sử dụng để đối chiếu với thông tin của người dự kiểm tra trong đơn đề nghị.