Tái khám thế nào sau phẫu thuật cắt tuyến vú? - Báo VnExpress

Trả lời:
Ung thư vú có thể tái phát tại chỗ (trên thành ngực), tại vùng (hạch nách, hạch trên/dưới đòn, hạch vú trong) hoặc di căn xa đến xương, gan, phổi hay hạch vùng đối bên. Tái khám sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và điều trị bổ trợ đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm nguy cơ tế bào ung thư tái phát hoặc di căn. Bác sĩ cũng theo dõi, kiểm soát tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư vú cho người bệnh (nếu có).
Lịch tầm soát ung thư vú có thể thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn ung thư ban đầu, loại ung thư vú, có đột biến gene mang tính di truyền hay không (BRCA1, BRCA1 2), phương pháp điều trị, tình trạng sức khỏe tổng thể.
Trong 1-3 năm đầu sau điều trị là giai đoạn ung thư có nguy cơ tái phát cao nhất. Bạn cần khám mỗi 3-6 tháng một lần để bác sĩ kiểm tra kỹ vết mổ, thành ngực, các hạch vùng và triệu chứng bất thường toàn thân. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm máu kiểm tra tùy vào tình trạng của người bệnh. Nếu bạn vẫn còn một bên ngực chưa phẫu thuật hoặc chỉ phẫu thuật bảo tồn có thể cần chụp X-quang ngực 12 tháng một lần kết hợp với siêu âm tuyến vú khi tái khám.
Trong giai đoạn 3-5 năm sau điều trị, nguy cơ tái phát có xu hướng giảm. Lúc này, bạn cần khám mỗi 6-12 tháng một lần, duy trì các xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực định kỳ khoảng 12 tháng, theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sau 5 năm điều trị không ghi nhận dấu hiệu tái phát, bạn cần khám, xét nghiệm máu và chụp nhũ ảnh, siêu âm mỗi năm một lần.
Bạn không cần tái khám nhiều và liên tục, thay vào đó nên duy trì theo lịch hẹn của bác sĩ, thông báo với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng mới hoặc bất thường. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn và giữ tinh thần lạc quan hỗ trợ quá trình hồi phục, góp phần phòng ngừa ung thư vú tái phát.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Thu
Khoa Ung bướu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |