Syria điều tra hành động tàn sát sau xung đột giáo phái đẫm máu

Bộ Quốc phòng Syria cho biết họ đã nhận được báo cáo về “những vi phạm gây sốc” của những người mặc quân phục tại thành phố Sweida, nơi có đông người Druze sinh sống, và sẽ mở cuộc điều tra.
Những người có vũ trang đã nổ súng vào xe buýt sơ tán dân thường khỏi thành phố Sweida (Syria) vào ngày 22.7. Mặc dù chưa rõ danh tính của những tay súng này, vụ việc đánh dấu một bước leo thang mới trong tình trạng bạo lực giáo phái đang gia tăng ở nước này.
Người dân thuộc các bộ lạc Bedouin địa phương đã di tản khỏi thành phố Sweida, nơi có phần đông dân số là người Druze, theo một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn, nhằm chấm dứt giao tranh đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Đây là diễn biến mới nhất sau nhiều ngày đổ máu giữa người Druze - một nhóm tôn giáo thiểu số bản địa trong khu vực - và các bộ lạc Bedouin.
Một tổ chức giám sát nhân quyền hôm 18.7 cho biết các nạn nhân bao gồm nhân viên y tế, phụ nữ và trẻ em, và cả hai bên đều đã thực hiện các vụ hành quyết tại chỗ.
Bạo lực trở nên nghiêm trọng hơn sau khi lực lượng chính phủ đến.
Hàng chục người dân Sweida kể lại rằng bạn bè và hàng xóm của họ bị bắn ở cự ly gần ngay tại nhà riêng hoặc trên đường phố. Họ cho biết các vụ giết người do quân đội Syria thực hiện, được nhận dạng qua quân phục và phù hiệu.
Bộ Quốc phòng Syria hôm 22.7 cho biết sẽ điều tra “những vi phạm gây sốc” của những người mặc quân phục.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Syria tuyên bố sẽ “không khoan nhượng” đối với những ai vi phạm nhân quyền ở Sweida - ngay cả khi các hành vi đó do chính lực lượng của Bộ này thực hiện.
Tuần trước, Israel và Syria đã đồng ý ngừng bắn với sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các nước láng giềng. Điều này diễn ra sau khi Israel không kích vào lực lượng chính phủ Syria ở phía nam và Bộ Quốc phòng ở Damascus.
Israel cho biết mục tiêu của họ là bảo vệ người Druze và duy trì phi quân sự hóa miền nam Syria.
Đợt xung đột lần này là một trong những vụ việc tồi tệ nhất xảy ra tại Syria kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ năm ngoái. Tình hình này đã đặt ra một thử thách lớn cho nhà lãnh đạo mới Ahmed al-Sharaa, làm sâu sắc thêm những rạn nứt trong một đất nước đã bị chia cắt bởi 14 năm nội chiến.
Ông Sharaa đổ lỗi cho “các nhóm ngoài vòng pháp luật” về bạo lực và cam kết sẽ bảo vệ quyền lợi của người Druze, giáo phái có đức tin bị một số người Hồi giáo cực đoan coi là dị giáo.