Nhảy đến nội dung
 

Sửa thuế thu nhập cá nhân: Phải tính đường dài

Sau 17 năm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân, lần đầu tiên Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc nhằm giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (TP.HCM):

Áp dụng ngay mức khởi điểm chịu thuế mới

Mức GTGC được duy trì từ năm 2020 đến nay, trong khi rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá mạnh trong 5 năm qua, thậm chí có những hàng hóa còn tăng nhanh hơn thu nhập. Thêm vào đó, thu nhập trung bình của người dân trong 5 năm qua cũng đã tăng cao. Từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 30% và lương tối thiểu vùng cũng tăng qua các năm.

Trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri đã lên tiếng đề nghị phải sớm điều chỉnh mức GTGC để phù hợp với thực tiễn. Do vậy, việc sớm điều chỉnh mức GTGC là yêu cầu cấp thiết, cần thực hiện ngay.

Tuy vậy, so với thực tiễn việc điều chỉnh mức GTGC này đã chậm hơn, chưa đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án và đề xuất áp dụng mức GTGC từ kỳ tính thuế 2026 là chưa phù hợp. Bởi nếu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cũng phải còn vài tháng mới đến kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2025.

Vì thế, nên áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2025 chứ không nên chờ đến kỳ tính thuế năm 2026. Làm như vậy, người nộp thuế sẽ phải chờ đợi dài hơn. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Thuế TNCN thay thế, trong đó đề xuất giao Chính phủ quy định mức GTGC phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Đề xuất này là hoàn toàn phù hợp, đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Một nội dung khác, Bộ Tài chính đề xuất giảm số bậc trong biểu thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống 5 bậc và nới khoảng thu nhập ở từng bậc, khởi điểm thu nhập tính thuế là 10 triệu đồng/tháng với mức thuế là 5%.

So với luật hiện hành, mức khởi điểm đã cao hơn nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được thực tiễn cuộc sống, nhất là với mức thu nhập của người dân, cuộc sống ở các đô thị lớn. Do vậy, theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu để nâng mức khởi điểm lên phù hợp, đồng thời xem xét nới rộng khoảng thu nhập ở từng bậc ra cao hơn.

* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):

Bổ sung các khoản chi thực tế để trừ thuế

Về nguyên tắc, thuế TNCN không chỉ là công cụ tạo nguồn thu cho ngân sách mà còn là cách Nhà nước điều tiết thu nhập theo hướng công bằng.

Trong đó, ai có nhiều đóng nhiều, ai ít đóng ít. Nhưng muốn công bằng, trước tiên phải tính đúng. Trong khi đó, mức sống giữa các địa phương, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn so với các vùng khác rất chênh lệch.

Giá thuê nhà, chi phí y tế, học hành, chi phí sinh hoạt khác... ở đô thị lớn đều cao gấp nhiều lần so với nông thôn hay các tỉnh miền núi.

Thế nhưng, mức GTGC với người ở thành phố lớn và người ở miền núi vẫn như nhau là không hợp lý. Do đó, cần dựa vào lương tối thiểu vùng được điều chỉnh cơ bản theo hằng năm để xác định mức GTGC.

Có thể lấy 4 lần mức lương tối thiểu vùng làm mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và 2 lần cho mỗi người phụ thuộc... Như vậy, người lao động ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao sẽ được giảm trừ thuế thu nhập nhiều hơn.

Nếu áp dụng, chính sách thuế sẽ tiệm cận hơn với thực tế cuộc sống, giảm gánh nặng không đáng có cho người dân. Ngoài ra, tại dự thảo luật đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã đề xuất thu gọn biểu thuế từ 7 bậc còn 5 bậc và nới rộng khoảng cách giữa các bậc là phù hợp.

Nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo phù hợp, thể hiện rõ ràng hơn nguyên tắc người thu nhập cao hơn phải nộp thuế cao hơn.

Cùng với đó, nên bổ sung thêm các khoản chi thực tế được trừ khi tính thuế, như chi phí học hành, y tế, bảo hiểm, lãi vay mua nhà... Đây là các khoản gắn trực tiếp đến an sinh xã hội và chất lượng sống của người dân.

Nếu cho phép khấu trừ sẽ vừa giảm gánh nặng thuế, vừa khuyến khích chi tiêu cho giáo dục, y tế - những lĩnh vực Nhà nước cũng đang ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, không nên đợi chỉ số giá (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC.

Trong thực tế, CPI được tính trung bình tới 752 mặt hàng, trong khi người lao động chủ yếu chi tiêu cho vài chục mặt hàng thiết yếu. Do đó, cách tính này dễ gây chậm trễ, thậm chí lạc hậu.

Thay vào đó, nên xây dựng một cơ chế định kỳ - ví dụ hai năm rà soát một lần - để điều chỉnh các mức giảm trừ, đảm bảo chính sách thuế luôn theo kịp đời sống thực tế. Đồng thời, giao cho Chính phủ được quyền điều chỉnh để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn