Start-up thời trang Việt lặng lẽ rời đường đua

Thị trường thời trang Việt Nam đang trải qua giai đoạn suy giảm nghiêm trọng với việc biến mất nhiều thương hiệu nội địa của các nhà khởi nghiệp trẻ
Mới đây, Lam Khuê Design bất ngờ thông báo đóng cửa cửa hàng tại Phố Huế, TP Hà Nội, chính thức khép lại hành trình hơn 8 năm hoạt động khiến nhiều người yêu thích thương hiệu này không khỏi tiếc nuối.
Lặng lẽ rời thị trường
Trước đó, anh Lưu Việt Anh, người sáng lập thương hiệu túi xách cùng tên, tuyên bố đóng cửa sau 4 năm hoạt động. Cùng thời điểm, thương hiệu thời trang DANGHAIYEN cũng tuyên bố đóng cửa cửa hàng tại Hà Nội sau 10 năm hoạt động, tiếp nối danh sách những nhà khởi nghiệp Việt trong ngành thời trang gặp khó khăn phải rút khỏi thương trường khoảng 1 năm nay.
Tương tự, Catsa - từng có hơn 40 cửa hàng, doanh thu lên đến khoảng 100 tỉ đồng/năm - cũng phải ngừng hoạt động sau 13 năm ra mắt. Lý do, theo CEO Nguyễn Thùy Linh Cát, Catsa đã phát triển đến ngưỡng và không thể mở rộng thêm do thị trường quá biến động.
Bên cạnh đó, Hnoss, Lep', Elpis, Miêu cùng các thương hiệu từng xuất hiện rầm rộ những năm 2010 cũng không tránh khỏi số phận tương tự do không vượt qua những khó khăn của thị trường.
Trong làn sóng cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa đại trà, giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử và các phiên livestream, thương hiệu yếu thế trong nước không còn đủ sức tồn tại. Sức mua giảm, chi phí vận hành tăng và sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại khiến các thương hiệu này ngày càng hụt hơi.
Sự xuất hiện dày đặc của những sản phẩm thời trang với mức giá biến động trên sàn thương mại điện tử hay các phiên livestream trở thành thách thức đối với các nhà khởi nghiệp trẻ. Cùng với đó, khả năng chi tiêu của người dân ngày càng hạn chế, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu như thời trang.
Sau khi đóng cửa, nhà sáng lập Lam Khuê Design đã đúc kết những sai lầm mà cô cho rằng các start-up thời trang khác cũng có thể vấp phải. Đó là doanh nghiệp (DN) thường đổ lỗi cho thị trường khó khăn, bỏ qua việc đổi mới và chủ động tư duy, thiếu định hướng thương hiệu rõ ràng, không đặt mục tiêu cụ thể, đo lường hiệu quả. Một yếu tố nữa là do các DN quá yêu sản phẩm mà quên phục vụ khách hàng, quản lý tài chính kém, thiếu đào tạo nhân viên và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh
Hiện nay, thời trang Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với hơn 200 thương hiệu ngoại, từ cao cấp đến trung bình, không ngừng mở rộng để chiếm lĩnh thị trường khoảng 5 tỉ USD.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP HCM, cho rằng việc nhiều DN thời trang rời khỏi thị trường chủ yếu là do tình trạng ế ẩm và áp lực cạnh tranh lớn. Với những thương hiệu thời trang nhanh, nhà khởi nghiệp mỏng vốn không đủ sức bám trụ trong giai đoạn khó khăn này.
Song song đó, việc phát triển thương hiệu và sản phẩm nội địa đòi hỏi nhiều thời gian, nguồn lực. Vì vậy, DN cần nghiên cứu thói quen tiêu dùng, điều chỉnh chiến lược phân phối, đẩy mạnh thương mại điện tử để tăng doanh thu trong ngành may mặc.
Nhờ đầu tư vào công nghệ hiện đại và thiết kế phù hợp gu thẩm mỹ, nhiều DN Việt lâu năm như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Việt Thắng… đã xây dựng được các phân khúc và đối tượng khách hàng riêng biệt, tạo ra giá trị, khẳng định vị thế và trụ vững trên thị trường.
Ngay cả với thương hiệu lâu đời như An Phước, việc làm mới hình ảnh và sản phẩm cũng gặp không ít thử thách nhưng rất cần thiết để giúp công ty tồn tại trong thị trường biến động. Công ty đã tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và mở rộng sang thị trường tiềm năng như thời trang golf. Dù cạnh tranh gay gắt, An Phước vẫn giữ vững phân khúc trung cao cấp, chú trọng chất liệu cao cấp và thiết kế tinh xảo.
Còn May 10, với hàng chục nhà thiết kế và hàng trăm nhân viên, DN này đang tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và mẫu 3D để nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc hội nhập nhanh với thiết kế quốc tế giúp DN tăng giá trị sản phẩm nội địa. Hệ thống cửa hàng của DN được kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử để mở rộng thị phần, nâng cao thương hiệu.
Trong khi đó, dù nhận định kinh doanh khó khăn nhưng Biti's vẫn kiên trì mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Thương hiệu này không ngừng mở rộng thị trường nội địa, ra mắt nhãn hàng Helio dành cho giới trẻ nhằm có thêm khách hàng và phát triển bền vững. Theo bà Nguyễn Hải Ngọc, Giám đốc Marketing của Biti's, Helio là bước đi chiến lược hướng đến nhóm khách hàng trẻ với hàng triệu học sinh, dựa trên nền tảng uy tín thương hiệu 43 năm và niềm tin của phụ huynh cùng các em nhỏ.