Nhảy đến nội dung
 

Sống chung bệnh gout từ tuổi đôi mươi

Ban đầu, Thanh tìm thầy lang chữa bong gân nhưng không khỏi, tình trạng sưng đau ngày càng nặng. Anh ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống, triệu chứng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh sớm tái phát. Ngón chân cái của người đàn ông sưng đỏ, gây đau "khủng khiếp không thể tả", khiến anh không thể đi lại. Đến bệnh viện TP HCM, bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh gout. Chỉ số axit uric trong máu của người bệnh vượt xa ngưỡng an toàn.

"Tôi gần như bị sốc, không nghĩ mình phải chung sống suốt đời với căn bệnh này từ khi còn trẻ như vậy", anh Thanh, hiện 33 tuổi, nhớ lại.

BS.CK2 Huỳnh Phan Phúc Linh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy (chuyên Nội cơ xương khớp) cho biết bệnh gout đang gia tăng trong dân số. Trước đây, bệnh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi. Nhưng những năm gần đây, nhiều bệnh nhân 20-30 tuổi cũng đến khám.

Tương tự, thống kê từ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho thấy, cứ 4 người đến khám và được chẩn đoán mắc bệnh gout thì độ tuổi 30-40 chiếm 50% và tỷ lệ này ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Việt nam năm 2023 chỉ ra 1/3 số trường hợp tăng axit uric máu là ở nhóm tuổi dưới 40, và tỷ lệ gout được phát hiện trong nhóm này là 5,2% với một nửa số ca mới, cả hai nhóm đều ghi nhận nam giới nhiều hơn nữ.

Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa purin. Điều này làm nồng độ axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến lắng đọng tinh thể urat ở cơ và khớp. Nguyên nhân chính khiến bệnh gout trẻ hóa là lối sống hiện đại. Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu purin như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn là yếu tố quan trọng. Uống nhiều đồ uống có cồn cũng làm tăng sản xuất purin và giảm bài tiết axit uric. Bia và rượu mạnh đặc biệt chứa lượng purin cao.

Đồ uống nhiều đường cũng góp phần gây bệnh. Ngoài ra, thừa cân béo phì, sử dụng một số thuốc (lợi tiểu, aspirin) cũng làm tăng axit uric. Lạm dụng thực phẩm bổ sung giàu đạm hay giảm cân cấp tốc không khoa học cũng có thể gây rối loạn chuyển hóa purin.

Ban đầu, biểu hiện thường gặp của gout là những đợt sưng đau khớp cấp tính khớp ngón chân cái. Ngoài ra, có thể gặp ở những cái khớp khác như đầu gối, cổ tay hay khớp khuỷu. Sau đó, bệnh sẽ tiến triển bằng những đợt viêm khớp tái diễn và hầu như thường xuyên, lâu dài sẽ xuất hiện các hạt tophi gây biến dạng khớp. Khi vào cơn viêm khớp gout cấp, người bệnh trải qua những cơn đau khớp đột ngột, ngay cả với các tác động nhẹ nhất, thường khởi phát ban đêm hoặc sáng sớm.

"Giai đoạn đầu bệnh nhân thường tự đi mua thuốc uống chứ không đi khám để phát hiện bệnh và kiểm soát kịp thời, đa số tìm đến viện khi đã đau đớn dữ dội", bác sĩ nói.

Việc điều trị gồm hai phần. Đầu tiên, bác sĩ sẽ điều trị tình trạng viêm khớp bằng thuốc kháng như Colchicin, nhóm thuốc kháng viêm giảm đau hoặc corticoid trong trường hợp chống chỉ định với thuốc kháng viêm. Cuối cùng, bệnh nhân được dùng thuốc hạ acid uric trong máu nhằm duy trì nồng độ trong giới hạn cho phép nhằm tránh gây ra những cơn viêm khớp tái diễn và những biến chứng lắng đọng tophi ở khớp, sỏi thận hoặc suy thận.

Hiện nay, các chuyên gia không có chỉ định điều trị cho trường hợp có tăng acid uric máu mà không có viêm khớp, hay còn gọi là "tăng acid uric máu không triệu chứng". Bởi, việc uống thuốc hạ acid uric máu lúc này là chưa cần thiết và không mang lại lợi ích cho bệnh nhân.

"Việc điều trị viêm khớp gout không khó, chỉ cần bệnh nhân tuân thủ, không tự ý mua thuốc uống mà không có đơn của bác sĩ chuyên khoa", bác sĩ Linh nói. Điều này không chỉ giúp bệnh được kiểm soát mà còn tránh được những biến chứng từ việc uống thuốc sai, lạm dụng corticoid, hay bị ảnh hưởng dạ dày, thậm chí xuất huyết dạ dày do các thuốc kháng viêm NSAID.

Bác sĩ Linh khuyến cáo người trẻ nên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử gia đình bị gout hoặc lối sống kém lành mạnh. Phát hiện sớm giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và tránh tổn thương lâu dài.

Để phòng ngừa gout, nên giảm tiêu thụ thực phẩm giàu purin và hạn chế rượu bia. Uống đủ nước, tránh mất nước. Duy trì cân nặng hợp lý và tăng cường vận động. Không tự ý dùng thuốc khi đau khớp.

Khi có cơn viêm khớp, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. Sau khi được chẩn đoán gout, việc duy trì thuốc hạ axit uric cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Kết hợp với thay đổi lối sống, ăn uống phù hợp và kiểm soát cân nặng sẽ giúp quản lý bệnh hiệu quả.

Sau 8 năm sống chung với căn bệnh từng bị coi là "bệnh của người già" hay "bệnh nhà giàu", Tuấn Thanh đã kiểm soát tốt bệnh tình. Thời gian đầu, anh lơ là điều trị, bỏ qua lịch hẹn, dẫn đến nhiều cơn gout cấp đau dữ dội. Có lúc, anh phải bật dậy giữa đêm, "vật vã chỉ mong đến sáng để vào viện". Từng là người "không biết từ chối cuộc nhậu", ăn uống vô độ, nay anh đã điều chỉnh lối sống. Anh từ bỏ nội tạng và hải sản yêu thích, đồng thời duy trì tái khám định kỳ.

"Tôi luôn ám ảnh những cơn đau hoành hành sau những buổi tiệc tùng có dùng rượu bia trước đây, nhờ tuân thủ điều trị mà tôi tránh được các cơn đau cấp trong một số lần phải rượu bia bất đắc dĩ không thể từ chối được", anh nói.

Lê Phương

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn