“An sinh không thể đợi'- Một mái nhà không thể chờ ngân sách”

Trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, ở Bình Định (tỉnh Gia Lai mới) đã có những cách làm hay, sáng tạo với phương châm “An sinh không thể đợi - một mái nhà không thể chờ ngân sách”.
Mái ấm thắm tình quân dân
Trong các địa phương thực hiện Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát thì Vân Canh (Gia Lai) là địa bàn khó khăn, số lượng nhà cần phải thực hiện trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với 419 trường hợp, chủ yếu ở các xã miền núi, đường đi cách trở.
Vì thế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện, thành lập sở chỉ huy tại địa phương để chỉ huy, điều hành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân trên địa bàn xã Canh Liên.
Xã Canh Liên có địa hình phức tạp, toàn xã có 8 làng, mỗi làng cách nhau hơn 10km. Toàn xã có 156 hộ cần được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (trong đó có 38 hộ không có vốn đối ứng).
Qua gần 3 tháng thực hiện, cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ của LLVT tỉnh đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” giúp nhân dân các làng Kà Nâu, Kà Bông, Hà Giao, Kon Lót, làng Chồm của xã Canh Liên trên 2.030 ngày công để xây dựng mới, sửa chữa nhà ở.
Đồng thời, trực tiếp đảm nhận vận chuyển trên 1.050 tấn vật liệu xây dựng, góp phần giảm chi phí cho nhân dân trong quá trình sửa chữa, xây mới nhà ở. Đến nay, 101 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát ở 5 làng trên đã hoàn thành việc sửa chữa, xây mới nhà ở.
Quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân xã Canh Liên, các cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt. Một số hộ ở trên đồi dốc hoặc không có đường ô tô vào nên việc vận chuyển vật liệu và thi công, xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Trung sĩ Phạm Văn Chính, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 739, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cho biết: Khi được phân công xóa nhà tạm, nhà dột nát cho bà con chúng tôi đã cố gắng từ công đoạn đầu tiên cho đến khi hoàn chỉnh căn nhà. Trong những ngày tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát thì lúc nào bà con cần, chúng tôi đều có mặt. Khi bà con có nhà mới khang trang, kiên cố, không còn lo mỗi mùa mưa, mùa nắng, chúng tôi cũng rất vui.
Ngày nhận nhà mới, niềm vui hiện rõ trên gương mặt đen sạm nắng của người Ba Na ở làng Kà Nâu. Ông Đinh Văn Du (49 tuổi, hộ nghèo, làng Kà Nâu) phấn khởi cho biết: “Bộ đội tốt lắm. Vừa giúp làm nhà, vừa tặng thêm nhiều quà. Vợ chồng tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để lần tới bộ đội lên thăm còn có cái để khoe”.
Hay như gia đình anh Đinh Văn Tôi (45 tuổi, làng Kà Nâu) rất xúc động khi có được căn nhà mới để an cư lạc nghiệp. “Đó là một ngôi nhà vừa kiên cố, cao ráo. Có nhà mới sẽ là động lực để gia đình tôi vươn lên, thoát khỏi diện hộ nghèo”, ông Tôi bộc bạch.
An sinh không thể đợi
Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo và cách làm hiệu quả. Các mô hình hay này được áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chung tay thực hiện.
Các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) đã tích cực vận động các hộ đồng bào DTTS áp dụng mô hình nhà mẫu, phù hợp với văn hóa và phong tục của dân tộc nhưng vẫn đảm bảo sự kiên cố và đầy đủ các công trình vệ sinh.
Ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng cho nhà xây mới và 30 triệu đồng cho nhà sửa chữa, huyện Tuy Phước còn hỗ trợ thêm cho một số hộ không có khả năng lao động với mức hỗ trợ 30 triệu đồng cho nhà xây mới và 15 triệu đồng cho nhà sửa chữa.
Điều đặc biệt ở Bình Định không nằm ở số lượng nhà được sửa chữa và xây mới, mà nằm ở triết lý hành động: “An sinh không thể đợi - một mái nhà không thể chờ ngân sách”. Đúng như chia sẻ của Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng, việc thực hiện Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát không chỉ thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội của tỉnh Bình Định mà còn là biểu tượng đẹp của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Bình Định (tổ chức ngày 16/5), Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước Đào Ngọc Dung đã nêu lên “4 việc thật” và “3 dám” mà Bình Định đã làm được.
Thứ nhất, số lượng đúng thực tế, phù hợp với tình hình địa phương quyết tâm làm. Thứ hai, triển khai làm thật. Thứ ba, hiệu quả thật. Thứ tư, người dân thụ hưởng thật sự.
Không chỉ có vậy, trong điều kiện ngân sách Trung ương còn đang chờ hoàn tất thủ tục về kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công, tỉnh Bình Định với tinh thần “3 dám”: Dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm - khi ứng toàn bộ ngân sách ra và vận động nguồn xã hội hóa để xóa trên 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát.