Sao phải dành nửa đời người trả nợ ngân hàng chỉ để có nhà Sài Gòn?

Cách đây hơn 10 năm, tôi quyết định vay ngân hàng để mua đất xây nhà. Khi đó tôi khoảng 32 tuổi, vợ chồng tôi đều đi làm công ăn lương, tổng thu nhập hai người khoảng 25 triệu đồng một tháng. Sau nhiều năm tích lũy, chúng tôi dành dụm được khoảng 500 triệu đồng, và quyết định mua một mảnh đất rộng hơn 60 m2 ở khu vực ngoại thành Sài Gòn, giá thời điểm đó là một tỷ đồng.
Chúng tôi vay ngân hàng khoảng 500 triệu đồng, tương đương 50% giá trị, và xây căn nhà đơn giản hết thêm khoảng 400 triệu đồng bằng tiền bố mẹ cho, tổng chi phí vào khoảng 1,4 tỷ đồng. Tôi cố gắng trả hết nợ trong vòng 5 năm, chấp nhận hạn chế mọi chi tiêu không cần thiết, gần như không dám mua sắm lớn hay đi du lịch.
Sau 5 năm, tôi thanh toán hết khoản vay. Đó là cảm giác cực kỳ nhẹ nhõm. Nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra một điều quan trọng hơn cả việc vay bao nhiêu phần trăm: khả năng trả nợ trong bao lâu mới là điều quyết định.
Nhiều người thường lấy mốc vay 20-30 năm để mua nhà. Nhưng thử hỏi, có mấy ai giữ được nguồn thu nhập ổn định suốt 30 năm? Mỗi người lao động trung bình chỉ có khoảng 25-30 năm làm việc hiệu quả, và chừng ấy thời gian cũng không hề "phẳng". Rủi ro như mất việc, bệnh tật, khủng hoảng kinh tế luôn rình rập.
Với tôi, mốc 10-15 năm là khung thời gian hợp lý nhất để lên kế hoạch trả nợ. Nếu cần thiết, có thể giãn ra thành 15-20 năm, nhưng nên giữ tâm thế chủ động, tức là có phương án dự phòng nếu nguồn thu bị ảnh hưởng.
>> Tôi lời to vì quyết định vay 1,7 tỷ mua nhà 2,2 tỷ
Giá nhà hiện nay đã tăng gấp 5-10 lần so với 10 năm trước. Mảnh đất tôi từng mua với giá một tỷ đồng thì nay đã lên tới 5-7 tỷ đồng, dù vị trí và diện tích không đổi. Nếu đặt mình vào thời điểm hiện tại, với mức thu nhập trung bình khoảng 20-30 triệu đồng mỗi tháng, tôi khó có thể mua lại mảnh đất đó nếu vẫn chỉ vay 50% như trước. Nhiều người bây giờ buộc phải vay tới 70-80% giá trị căn nhà, và chấp nhận trả góp trong vòng 25-30 năm.
Vấn đề là, nếu giá trị căn nhà tăng năm lần nhưng thu nhập không tăng tương ứng, thì thời gian và rủi ro trả nợ cũng tăng theo cấp số nhân. Chỉ cần một biến cố nhỏ, bạn có thể không đủ sức trả lãi, chưa nói đến gốc, và nguy cơ mất nhà sẽ rất cao.
Tôi kể câu chuyện này không phải để khuyên mọi người đừng vay mua nhà, mà để chia sẻ một góc nhìn khác: không phải ai từng vay thành công trong quá khứ cũng nên dùng kinh nghiệm đó để khuyên người khác trong hiện tại. Thời điểm và bối cảnh đã khác. Giá nhà tăng quá nhanh, trong khi mức lương và khả năng tích lũy của người trẻ không đuổi kịp. Đừng nhìn vào những ví dụ thành công của 10 năm trước để áp dụng vào thị trường hôm nay. Rủi ro của hiện tại lớn hơn rất nhiều.
Vay mua nhà là chuyện cả đời, đừng chỉ nghe lời khuyên "cứ vay đi rồi trả", mà hãy tính kỹ khả năng thực tế của bản thân. Một khoản vay hợp lý là khoản mà bạn vẫn có thể sống được, nuôi gia đình, và dành dụm phòng khi rủi ro xảy ra, không phải chỉ đủ để trả nợ ngân hàng mỗi tháng. Ngôi nhà là nơi để sống, đừng biến nó thành gánh nặng kéo dài cả tuổi trẻ.
Huy Thanh Do