Sáng 21/7: Giá vàng nhẫn, vàng SJC đồng loạt tăng

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (21/7), giá vàng trong nước ghi nhận xu hướng tăng nhẹ so với cuối tuần trước.
Cụ thể, các doanh nghiệp như PNJ, SJC, DOJI và Bảo Tín Minh Châu đã đồng loạt tăng giá vàng miếng thêm 200.000 đồng/lượng, hiện giao dịch trong khoảng 119,7 – 121,2 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Trong khi đó, về giá vàng nhẫn, một số nhà vàng cũng điều chỉnh tăng giá nhẹ so với cuối tuần trước. Đơn cử như, giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 116,3 - 119,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng. DOJI cũng điều chỉnh tăng cùng mức, lên 108,8 - 109,6 triệu đồng/lượng.
Ngược lại, giá vàng nhẫn tại PNJ và Công ty SJC giữ nguyên, lần lượt niêm yết ở mức 114,7 – 117,6 triệu đồng/lượng và 114,2 – 116,7 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đang giao dịch quanh ngưỡng 3.353 USD/ounce, tăng 6 USD so với phiên trước.
Theo khảo sát hàng tuần mới nhất của Kitco News, giới chuyên gia vẫn chia rẽ về triển vọng giá vàng khi một nửa giữ quan điểm lạc quan, nửa còn lại thiên về trung lập. Trong khi đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân tiếp tục nghiêng về khả năng giá vàng tăng trong ngắn hạn.
Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bên cạnh loạt dữ liệu kinh tế then chốt như chỉ số sản xuất, doanh số bán nhà và đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ.
Đặc biệt, vào thứ Ba, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ có bài phát biểu khai mạc tại một sự kiện ở Washington, D.C. Mặc dù khó có khả năng ông đề cập trực tiếp đến các chỉ trích gần đây từ Tổng thống Donald Trump, giới đầu tư vẫn theo dõi sát mọi phát ngôn có thể hé lộ định hướng chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới.
Ngoài ra, các báo cáo về doanh số bán nhà tháng 6, dữ liệu PMI của S&P, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và báo cáo hàng hóa bền dự kiến công bố vào thứ Sáu sẽ cung cấp thêm manh mối về sức khỏe nền kinh tế Mỹ và từ đó ảnh hưởng đến kỳ vọng lãi suất.
“Chúng ta bắt đầu thấy các dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang duy trì trạng thái khá vững vàng, và có khả năng các nhà đầu tư vẫn đang nhìn nhận tình hình theo hướng Cục Dự trữ Liên bang sẽ không quá mềm mỏng,” ông Kelvin Wong, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định.
Về dài hạn, vàng vẫn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế bất ổn, đặc biệt khi lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt. Môi trường lãi suất thấp thường hỗ trợ giá vàng do chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng giảm xuống.