Saint-Gobain cung cấp vật liệu phát triển công trình xanh

Đại diện doanh nghiệp cho biết, trong hai năm gần đây, công trình xanh ngày càng phổ biến, tạo làn sóng thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của các nhà đầu tư trong việc tìm giải pháp phát triển bền vững ngành xây dựng. Hiện, Việt Nam có 559 công trình xây dựng đạt chứng nhận xanh, với tổng diện tích sàn tới 13,6 triệu m2. Thành tích này vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vốn kỳ vọng đạt 80 công trình xanh vào năm 2025 và 150 vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, để đạt chuẩn công trình xanh tại Việt Nam, doanh nghiệp cần lựa chọn vật liệu xây dựng an toàn cho sức khỏe người sử dụng, phù hợp quy chuẩn. Trong không gian sống và làm việc hằng ngày, chất lượng không khí trong nhà (Indoor Air Quality - IAQ) đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, do chiếm phần lớn lượng vật chất tiếp xúc trực tiếp. Song, trên thị trường vẫn còn nhiều vật liệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, phát thải từ các hợp chất độc hại như Formaldehyde, VOC, a-mi-ăng...
Trước nhu cầu gia tăng về công trình xanh, Saint-Gobain - tập đoàn vật liệu xây dựng với lịch sử hơn 360 năm, đang trở thành đối tác đồng hành của nhiều chủ đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp có mạng lưới hoạt động tại hơn 75 quốc gia, nằm trong Top 100 Tập đoàn công nghiệp toàn cầu và Top 100 Tập đoàn sáng tạo đổi mới. Suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp liên tục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Tại Việt Nam, Saint-Gobain cung cấp sản phẩm, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ các chủ đầu tư, kiến trúc sư đạt chứng nhận công trình xanh như EDGE, LEED hay Green Mark. Nhiều sản phẩm chủ lực của tập đoàn được ứng dụng trong hơn 13 triệu m2 diện tích sàn xây dựng đạt chuẩn xanh gồm: tấm thạch cao Vĩnh Tường-Gyproc, tấm xi măng sợi Duraflex Low-Carbon, bông thủy tinh cách nhiệt Isover và các loại keo dán gạch, chà ron Weber.
Hầu hết sản phẩm của Saint-Gobain được đầu tư sản xuất ngay tại Việt Nam, tuân thủ tiêu chuẩn phát thải thấp (Low VOC). Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn áp dụng đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), phương pháp đo lường toàn diện tác động môi trường từ khâu nguyên liệu đến xử lý cuối vòng đời. Dữ liệu từ LCA là thước đo nhằm xây dựng tuyên bố sản phẩm môi trường (EPD), đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn xanh do các tổ chức quốc tế uy tín công nhận.
Saint-Gobain hoạt động tại Việt Nam từ năm 1991, đến nay doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống 9 nhà máy sản xuất trên toàn quốc. Các dòng sản phẩm được sản xuất như: tấm xi măng sợi, khung trần - vách thạch cao, tấm thạch cao, đến các sản phẩm ốp lát, chống thấm...
Hệ thống nhà máy có tổng công suất khoảng 100.000 tấn vật liệu mỗi năm, tương đương hơn 500 triệu m2 sản phẩm, được phân phối qua hơn 2.000 điểm bán. Đại diện doanh nghiệp cho biết, những con số trên thể hiện năng lực chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao niềm tin vào sản xuất nội địa, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Nguyễn Trường Hải, Tổng giám đốc Saint-Gobain Việt Nam, yếu tố bền vững luôn được đặt làm trọng tâm trong mọi quyết định phát triển sản phẩm và chiến lược kinh doanh. "Chúng tôi nỗ lực mang đến các giải pháp xây dựng an toàn, thân thiện môi trường và có tính ứng dụng cao, nhằm góp phần cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng", ông Hải nói.
Thể hiện định hướng bền vững, Saint-Gobain liên tục cải tiến sản phẩm theo tiêu chí thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe. Một trong những sản phẩm tiêu biểu là tấm thạch cao Vĩnh Tường-Gyproc thế hệ mới, đã được kiểm nghiệm không phát thải khí formaldehyde, góp phần cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
Vào tháng 3, doanh nghiệp có mặt trong bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13521:2022 với gần như toàn bộ danh mục sản phẩm đạt yêu cầu phát thải thấp (Low VOC), góp phần nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong xây dựng. Trong số đó, tấm xi măng Duraflex Low-Carbon, được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam có công nghệ sử dụng sợi cellulose không chứa a-mi-ăng và hạn chế các hợp chất hữu cơ bay hơi, kim loại nặng gây hại.
Trong hoạt động sản xuất, từ năm 2017 đến nay, Saint-Gobain đã giảm 60% lượng carbon trong sản phẩm, xử lý và tái sử dụng toàn bộ nước thải công nghiệp, không xả ra môi trường. Các nhà máy cũng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, lắp đặt điện mặt trời, thu hồi và tái chế vật liệu sản xuất như pallet hay phế phẩm thạch cao.
Ở khâu vận chuyển, doanh nghiệp triển khai mô hình vận chuyển tối ưu bằng cách gom hàng và giao trực tiếp đến hệ thống phân phối, thay vì vận tải nhỏ lẻ. Giải pháp này giúp giảm hơn 2.000 tấn khí CO2 trong chuỗi cung ứng chỉ sau hai năm, đồng thời cắt giảm chi phí vận hành cho đối tác.
Ngoài sản phẩm, cam kết vật liệu xanh còn thể hiện qua các công trình tiêu biểu có sự tham gia của Saint-Gobain. Điển hình là nhà máy Lego, dự án Net Zero đầu tiên của tập đoàn Lego tại Việt Nam, sử dụng các giải pháp như tường, trần thạch cao chống cháy và vật liệu cách nhiệt ống thông gió sử dụng bông thủy tinh Isover. Tương tự, nhà máy Daikin Việt Nam, đạt chứng nhận LEED Platinum, cũng lựa chọn Saint-Gobain làm đối tác cung ứng vật liệu xanh xuyên suốt quá trình triển khai.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Saint-Gobain thúc đẩy các sáng kiến vật liệu xây dựng bền vững, hợp tác chính phủ và các tổ chức nhằm lan tỏa giá trị công trình xanh. Ở Việt Nam, doanh nghiệp cũng đồng hành nhiều chương trình kiến trúc uy tín như Top 10 Awards để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ông Nguyễn Trường Hải, cho biết doanh nghiệp đang kế thừa tầm nhìn toàn cầu của tập đoàn, hướng đến trở thành nhà cung cấp vật liệu xây dựng nhẹ và bền vững hàng đầu thế giới. Theo ông Hải, Saint-Gobain Việt Nam cam kết đổi mới, đồng hành các chủ đầu tư, tổng thầu và kiến trúc sư trong việc mở rộng số lượng công trình xanh và thúc đẩy các chương trình tái chế vật liệu, nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải.
Hoàng Đan