Rạng sáng mai sao Kim sáng đỉnh điểm: Nếu bỏ lỡ, phải chờ đến tháng 9 năm sau

Người yêu thiên văn Việt Nam hãy tranh thủ xem sao Kim ở trạng thái 'sáng chói nhất' rạng sáng mai 24.4, nếu không phải chờ đến tháng 9.2026.
Space.com khuyên bạn hãy ra ngoài khoảng 1 tiếng trước khi mặt trời mọc vào rạng sáng mai ngày 24.4 và nếu bầu trời quang đãng, bạn sẽ được chào đón ngày mới bằng một cảnh tượng ngoạn mục ở phía đông: sao Kim tỏa sáng nhất khi nhìn từ trái đất.
Phải đến ngày 22.9.2026, chúng ta mới chứng kiến được sự kiện tương tự. Sao Kim còn dân gian gọi là "sao Mai" vì nó mọc ở phía đông và tỏa sáng rực rỡ ngay trước khi mặt trời mọc.
Trước đó, hành tinh này đã tỏa sáng rất rực rỡ như "sao Hôm" ở phía tây ngay sau khi mặt trời lặn, đạt cấp sao -4,6 vào ngày 16.2. (cấp sao càng thấp thì vật thể càng sáng chói).
Kéo dài đến lễ 30.4
Chuyên gia cho biết độ sáng lớn nhất của sao Kim là sự kết hợp của 2 yếu tố: độ chiếu sáng và kích thước đĩa. Sao Kim ở vị trí hợp nhất trên, ở phía đối diện của mặt trời so với trái đất vào ngày 4.6.2024.
Tại vị trí hợp nhất trên, khi sao Kim ở phía xa mặt trời so với chúng ta, nó ở pha đầy đủ và kích thước đĩa của nó luôn nhỏ. Nó xuất hiện vào lúc chạng vạng tối vào cuối tháng 7.2024.
Mặc dù sao Kim sẽ sáng nhất khi nhìn từ trái đất vào ngày 24.4, nhưng nó sẽ sáng trong suốt cuối tháng 4, kéo dài đến lễ 30.4. Nếu bầu trời quang đãng vào ngày 25.4, bạn sẽ thấy một trăng lưỡi liềm sáng 8% ngay bên dưới sao Kim, trong khi sao Thổ sẽ nằm ngay bên dưới sao Kim trong suốt tháng 4. Cả ba thiên thể này sẽ cùng nhau tạo thành một "khuôn mặt cười" trên bầu trời trong chốc lát .
Sao Kim sẽ bắt đầu xuất hiện mờ hơn một chút (khi nhìn từ trái đất) sau ngày 27.4 và mờ hơn nữa (nhưng vẫn rất sáng) cho đến khi nó biến mất trong ánh sáng chói của mặt trời vào tháng 11 tới.