Quyết tâm tăng trưởng 8,5%: Cú hích để bứt phá

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 khép lại với một thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng: “Tăng trưởng GDP năm 2025 phải đạt từ 8,3-8,5%, năm 2026 phấn đấu trên 10%".
Đây không chỉ là một mục tiêu kinh tế đơn thuần mà là một quyết tâm chính trị, một cú hích chiến lược để Việt Nam bứt phá, bước vào giai đoạn 2026-2030 với tâm thế mới.
Mục tiêu đầy ý chí
Tăng trưởng 8,3-8,5% là con số cao hơn đáng kể so với mục tiêu mà Quốc hội đã điều chỉnh hồi đầu năm (6,5-7%). Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, nhiều quốc gia phải hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng, việc Chính phủ Việt Nam đặt ra mức tăng trưởng cao như vậy là một tín hiệu mạnh mẽ về ý chí vượt khó và khát vọng bứt phá.
Thủ tướng nhấn mạnh: tăng trưởng cao nhưng không đánh đổi ổn định, yêu cầu giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Đây là thông điệp thể hiện sự tỉnh táo, đặt phát triển bền vững song hành với tăng tốc.
Để đạt được mục tiêu đầy thách thức này, Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là những đầu tàu kinh tế, phải tăng tốc vượt kế hoạch: Hà Nội và TP.HCM đều phấn đấu tăng trưởng 8,5%, Quảng Ninh đạt 12,5%, Thái Nguyên 8%.
Doanh nghiệp Nhà nước – lực lượng giữ vai trò dẫn dắt thị trường – cũng phải tăng trưởng cao hơn 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Sự quyết liệt này cho thấy đòi hỏi sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị, các địa phương và doanh nghiệp.
Ba trụ cột tăng trưởng: tài khóa – tiền tệ – đầu tư
Tài khóa mở rộng. Chính phủ tiếp tục chính sách tài khóa mở rộng, đặt mục tiêu giải ngân 100% khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công.
Nguồn lực tài chính sẽ được huy động mạnh mẽ: mở rộng nguồn thu, tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ dài hạn, ưu tiên các công trình hạ tầng chiến lược, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, sẵn sàng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Những gói tín dụng quy mô lớn – 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng và công nghệ số, gói vay mua nhà ở xã hội cho người trẻ dưới 35 tuổi – được coi là mũi tên kép, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Đầu tư bùng nổ để tăng tốc
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 dự kiến 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Riêng 6 tháng cuối năm, Việt Nam phải huy động khoảng 111 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng 8%. Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD (cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%); vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.
Con số này cho thấy mức độ quyết liệt và khát vọng lớn.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cơ bản thống nhất những định hướng nêu trên; khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025 hoàn toàn có khả năng thực hiện để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để tự tin bước vào giai đoạn 2026-2030, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược của cả giai đoạn 2021-2030.
Nhu vậy có thể thấy quyết tâm rất cao của toàn hệ thống cho mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.
Những rào cản cần vượt qua
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP khá cao (7,96% và 7,52%) quý 2 và nửa đầu năm nay, thì các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ không vượt quá 6,6%, chủ yếu do nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thương mại toàn cầu. Cụ thể: ADB dự báo tăng trưởng 6,6% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026; OECD dự báo 6,2% cho năm 2025 và 6% cho năm 2026; WB đã hạ dự báo cho năm 2025 xuống còn 5,8% (so với 6,8% trong dự báo tháng 3/2025).
Một số trở lực đã xuất hiện trong nửa đầu năm nay:
Chỉ số PMI vẫn xếp dưới 50 điểm liên tục trong mấy tháng vừa qua, thể hiện kỳ vọng của khu vực sản xuất nội địa không cao.
Xuất khẩu đối mặt thách thức: Nhịp tăng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm mạnh do đơn hàng giảm và hàng tồn kho tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, khi hàng hóa sản xuất ra khó xuất khẩu.
Sức cầu tiêu dùng yếu: Khu vực dịch vụ chiếm hơn một nửa tổng GDP, có động lực chính là tiêu dùng. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân tăng chậm và thậm chí chậm hơn cả năm trước. Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2025, bán buôn và bán lẻ chỉ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 7,34% của 6 tháng đầu năm 2024. Dự báo các quý tiếp theo khó giữ được mức tăng này do người lao động có xu hướng dè xẻn chi tiêu.
Đầu tư tư nhân phục hồi chậm và chưa vững chắc: Mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi, đầu tư tư nhân còn chậm và thiếu ổn định. Việc xử lý vướng mắc cho các dự án mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Hàng nghìn dự án tại các địa phương vẫn còn tồn đọng (2.887 dự án đầu tư đang vướng mắc, với tổng vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích 347.000 ha đất) đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ khó khăn từ Trung ương.
Động lực tăng trưởng mới cần thời gian: Các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do… vẫn đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để tạo ra chuyển biến và đạt được kết quả cụ thể. Dòng vốn FDI tuy tích cực nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị và tạo dựng hệ sinh thái.
Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn: Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có 127,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui mỗi tháng. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại về sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.
Cải cách thể chế là “đột phá của đột phá”
Một trong những vấn đề cốt lõi gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội là sự trì trệ trong quản lý. Hệ lụy dễ nhận thấy nhất là biến cơ hội thành nguy cơ.
Thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn": Mặc dù đã được quan tâm và chỉ đạo, nhiều cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, cùng với kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.
Việc sắp xếp bộ máy, sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai, nhưng trong ngắn hạn, có thể gây một số vướng mắc, nhất là thủ tục hành chính, cấp giấy phép cho doanh nghiệp,...
Để vượt qua những thách thức này và đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đặc biệt là cải cách thể chế mạnh mẽ để giải phóng nguồn lực, rút ngắn thủ tục đầu tư công và thu hút FDI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Khát vọng bứt phá
Tăng trưởng cao trong năm 2025 không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là thông điệp về ý chí và khát vọng phát triển của Việt Nam.
Khi các quốc gia khác còn chần chừ, Việt Nam dám đặt ra một mục tiêu lớn, khẳng định quyết tâm không để nền kinh tế rơi vào quỹ đạo tăng trưởng trung bình kéo dài.
Thủ tướng khẳng định: “Đạt được mục tiêu này sẽ tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để tự tin bước vào giai đoạn 2026-2030, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược của cả giai đoạn 2021-2030.”
Đó chính là tinh thần “khó gấp đôi thì quyết tâm gấp ba” – một thông điệp truyền cảm hứng cho toàn xã hội cùng đồng lòng, hành động vì một Việt Nam bứt phá.
Nhưng điều quan trọng nhất là phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô vì ổn định mới là tiền đề cho phát triển.