Quyết nuôi con đặc sản dù vợ phản đối, lão nông Vĩnh Long thu bộn tiền

Dù bị vợ phản đối nuôi chồn hương nhưng lão nông Vĩnh Long vẫn quyết nuôi loài đặc sản mà dân nhậu rất mê này. Đến nay, ông đã có trang trại lớn, thu bộn tiền mỗi năm.
Giữa trưa hè tháng 7, ông Nguyễn Văn Tám (55 tuổi, ngụ xã Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long) ra vườn thăm trang trại nuôi chồn hương của mình. Ông Tám khoe vừa bán đàn chồn hương được 200 triệu đồng.
Lão nông Vĩnh Long kể, trước đây ông đi bộ đội ở Đồng Tháp, xuất ngũ về quê năm 1992. Gia đình có đông anh chị em, cha mẹ không có nhiều của cải nên ông phải đi làm mướn kiếm sống rồi lập gia đình, có hai người con.
Suốt những năm sau đó, ông Tám trăn trở với việc tìm hướng thoát khỏi cảnh nghèo khó và làm giàu trên chính quê hương. Câu hỏi “trồng cây gì và nuôi con gì sẽ mang lại hiệu quả cao” cứ mãi ám ảnh ông.
Năm 2020, một người thân giới thiệu mô hình nuôi chồn hương đang được nhiều hộ dân ở miền Tây thực hiện, ông Tám "khăn gói" đến các trang trại để tham quan, học hỏi.
Thấy có tiềm năng, ông vay 50 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội để mua 3 con chồn giống, dựng chuồng trại, chính thức bắt đầu nghề chăn nuôi.
“Ban đầu, gia đình tôi, nhất là vợ tôi, phản đối dữ lắm vì sợ nuôi chồn rồi bán không ai mua. Sau nhiều lần thuyết phục, bà xã tôi mới đồng ý cho nuôi chồn”, ông Tám kể.
Ông Tám cho biết, chồn hương giống được nuôi khoảng 10-12 tháng, sau đó sẽ chọn những con khỏe mạnh, đạt chuẩn để làm hậu bị, tiếp tục nhân giống. Những con không đủ tiêu chuẩn sẽ được nuôi để bán thịt.
Ông cho biết, một con chồn cái mỗi năm đẻ được 2 lứa, bình quân 3-4 con/lứa. Chồn con sinh ra nuôi thêm 4-5 tháng có thể xuất bán làm chồn giống.
Chồn giống có giá từ 4 đến hơn 30 triệu đồng/con, tùy độ tuổi, ngoại hình và giới tính. Chồn thịt đạt trọng lượng hơn 2kg, ông Tám bán với giá 1,3 triệu đồng/kg. Mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho nhà hàng, quán ăn đặc sản, dân nhậu rất mê.
"Mới nửa năm nay, tôi thu được hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu", ông Tám chia sẻ về tiền bán chồn hương. Với lợi nhuận ổn định, ông vừa đầu tư thêm 100 triệu đồng mở rộng chuồng trại, nâng tổng số lượng lên hơn 100 con.
“Hiện tôi có 100 con chồn, trong đó 50 chồn bố mẹ, nhiều con đang mang bầu và sinh sản. Khi chồn con biết ăn. tôi tách mẹ chuyển sang khu nuôi chồn giống hoặc chồn thịt", ông nói.
Ngoài khu vực nuôi chồn, ông Tám còn trồng 4.000m² chuối xiêm làm thức ăn phụ cho chồn. Khẩu phần hằng ngày của đàn vật nuôi gồm cá, cua đồng, mít, chuối…
Chồn thường ăn vào chiều tối, mỗi con trưởng thành tiêu tốn khoảng 3.000 đồng/ngày. "Cứ 6 tháng tôi tiêm phòng một lần, phòng bệnh là yếu tố sống còn trong chăn nuôi", ông nói.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thuận cho biết, ông Tám là một trong những hội viên tiêu biểu thoát nghèo nhờ chăn nuôi. Mô hình của ông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mà còn được nhiều người dân đến tham quan, học hỏi.
"Các ngành chức năng cũng tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, thủ tục chăn nuôi, giúp mô hình phát triển bền vững", ông Vũ nói.
Hiện ông Tám tiếp tục mở rộng quy mô, hướng đến xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất con giống đến tiêu thụ sản phẩm.