Quy đổi điểm xét tuyển đại học: Liệu đã công bằng?

Nhiều trường đại học công bố điểm quy đổi tương đương giữa điểm học bạ, đánh giá năng lực và điểm thi đánh giá năng lực.
Cùng đạt 100 điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng ở các trường khác nhau, thí sinh được quy đổi thành nhiều mức điểm trong tương quan điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện sự thiếu nhất quán và chưa thực sự công bằng trong quy đổi điểm. Nhất là khi các tổ hợp xét tuyển truyền thống năm nay có điểm thi chênh lệch rất lớn.
Mỗi nơi quy đổi điểm một kiểu
Theo công bố của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, thí sinh đạt 100 điểm kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (thang điểm 150) sẽ được quy đổi tương đương 24,25 điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị tổ chức thi đánh gia năng lực - quy đổi 100 điểm tương đương 27,25 điểm tổ hợp A00, 26,5 tổ hợp B00, 27,75 C00 và 24,25 D01. Như vậy cùng một mức điểm đánh giá năng lực, điểm quy đổi về thang điểm 30 của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội chênh nhau rất lớn so với Đại học Quốc gia Hà Nội, cao nhất lên đến 3,75 điểm.
Trường đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ quy điểm đánh giá năng lực về điểm thi tốt nghiệp THPT thấp hơn mà chỉ quy một mức điểm chung, không có chênh lệch giữa các tổ hợp. Như vậy thí sinh xét tuyển vào Trường đại học Công nghiệp Hà Nội bằng điểm đánh giá năng lực sẽ bất lợi hơn rất nhiều so với thí sinh xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, với điểm đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đưa ra thang điểm quy đổi chi tiết hơn và chênh lệch không đáng kể so với điểm quy đổi của Đại học Bách khoa.
Hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm quy đổi điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy về thang 30 như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Sư phạm Hà Nội. Trong khi đó đại diện nhiều trường đại học cho biết đang tính toán các phương án để đưa ra điểm quy đổi phù hợp.
Sáng 22-7, Bộ GD-ĐT công bố bách phân vị điểm thi cũng nhưng so sánh điểm 7 tổ hợp chính. Theo đó, bộ yêu cầu trên cơ sở tham khảo đối sánh phổ điểm, bách phân vị tổng điểm một số tổ hợp truyền thống sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT sau khi được hiệu chuẩn, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, môn chính xét tuyển của từng ngành/nhóm ngành, yêu cầu đặc thù của ngành, trường và thống kê, đánh giá kết quả học tập các năm trước, cơ sở đào tạo chủ động xây dựng và công bố quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp xét tuyển theo đúng kế hoạch.
Trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP.HCM cho biết theo văn bản, thông tin bộ công bố chỉ mang tính chất tham khảo và các trường chủ động xây dựng và công bố quy đổi. Vì không có công thức chung nên dẫn đến tình huống mỗi trường quy đổi một kiểu, cùng một mức điểm đánh giá năng lực nhưng điểm quy đổi ở mỗi trường mỗi khác.
"Điều này không chỉ gây mất công bằng cho thí sinh mà còn cho cả các trường ở cùng phân khúc. Chẳng hạn thí sinh đạt 900 điểm đánh giá năng lực ở trường này được quy đổi thành 27 điểm nhưng ở trường khác chỉ 25 điểm. Như vậy thí sinh 25 điểm sẽ bị thiệt thòi khi xét cùng những thí sinh xét điểm tốt nghiệp. Tương tự, trường quy đổi điểm cao hơn sẽ dễ thu hút thí sinh hơn. Điều này dẫn đến tình trạng rối ren và cạnh tranh không lành mạnh", ông này cho biết.
Trong khi đó, đại diện một trường đại học khác cho biết trường có đến hàng chục tổ hợp xét tuyển khác nhau nhưng bộ chỉ công bố bách phân vị của 7 tổ hợp. "Những tổ hợp khác trường lấy dữ liệu ở đâu để xác định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp để đảm bảo công bằng cho thí sinh?", ông này băn khoăn.
Còn chuyên gia giáo dục Sái Công Hồng cho rằng có rất nhiều phương pháp quy đổi điểm. Muốn phân vị có ý nghĩa quy đổi thì cần phải xây dựng dữ liệu điểm thi của các thí sinh tham gia đồng thời cả khối thi rồi tiến hành xây dựng phân vị. Thống kê này của Bộ GD-ĐT tính tất cả thí sinh nên chỉ có ý nghĩa tham khảo khi quy đổi.
Khó đảm bảo chính xác
Chiều 22-6, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM bàn về việc quy đổi điểm kỳ thi đánh giá năng lực và học bạ về thang điểm 30. Ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết việc quy đổi từ điểm đánh giá năng lực về thang 30 thuận lợi hơn.
Trong khi đó quy đổi điểm học bạ so với điểm thi tốt nghiệp THPT tương đối trở ngại do trường xét theo tổ hợp 3 môn trong khi điểm học bạ bộ công bố theo từng môn. Điểm học bạ và thi tốt nghiệp THPT chênh nhau rất lớn nên phải tính theo tổ hợp rồi quy đổi mới đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Ông Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho biết dữ liệu cho thấy thang điểm đang không đồng nhất khi học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT lớn. Trường đang tính toán để có thể đưa ra phương án quy đổi phù hợp nhất.
"Hiện phương án quy đổi đang được xem xét là giảm 2 điểm đối với điểm học bạ và tăng 0,5 điểm cho tổ hợp D01 điểm thi tốt nghiệp THPT", ông Sơn cho biết. Thống kê cho thấy điểm trung bình học bạ môn toán cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT 2,25 điểm, tiếng Anh 1,57, công nghệ công nghiệp 2,26, sinh học 1,83...
Mặc dù Bộ GD-ĐT công bố điểm tương quan gữa điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình các môn ở bậc phổ thông nhưng ông Quách Thanh Hải, phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng dữ liệu này không đảm bảo tính chính xác để trường quy đổi.
Theo ông Hải, đây là dữ liệu học sinh cả nước, không phản ánh chính xác điểm học bạ của thí sinh xét tuyển vào trường.