Phương Tây tìm cách gây sức ép đối với Nga

Trang The Kyiv Independent ngày 16.7 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay các hệ thống phòng không Patriot đang trên đường đến Ukraine, nhằm tăng cường hỗ trợ Kyiv và gây sức ép lên Nga.
Ông cho biết các hệ thống Patriot được gửi từ Đức và Mỹ không tốn chi phí. Đức chưa phản hồi thông tin vừa nêu, nhưng Reuters dẫn một nguồn tin cho hay các nước sở hữu hệ thống Patriot và các bên tài trợ có thể họp vào tuần tới để tìm cách cung cấp hệ thống này cho Ukraine.
Trái với phát biểu của ông Trump về chi phí vũ khí viện trợ Ukraine, Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas nói rằng Mỹ nên chia sẻ gánh nặng này.
"Chúng tôi hoan nghênh thông báo của Tổng thống Trump về việc gửi thêm vũ khí cho Ukraine, dù muốn thấy Mỹ chia sẻ gánh nặng. Mỹ và châu Âu có thể cùng nhau gây sức ép khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin đàm phán nghiêm túc", tờ Politico dẫn lời bà phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU ở Bỉ hôm 15.7.
Việc chưa thống nhất trong nỗ lực gây sức ép đối với Nga còn thể hiện khi Liên minh châu Âu (EU) không thông qua được gói cấm vận mới đối với Moscow tại hội nghị ngoại trưởng EU ngày 15.7. Nguyên nhân là Slovakia muốn có thêm sự đảm bảo rằng nước này không bị thiệt hại bởi một kế hoạch khác của EU về việc loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt Nga trước ngày 1.1.2028. Slovakia cho rằng việc ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ gây thiếu hụt, tăng giá hàng hóa và chi phí vận tải, cũng như dẫn đến các yêu cầu bồi thường thiệt hại từ nhà cung cấp Nga là Gazprom.
Trong một diễn biến bất ngờ, Tổng thống Trump ngày 15.7 khuyên Ukraine không nên tấn công Moscow, trái với thông tin trước đó trên tờ Financial Times cho rằng ông khuyến khích Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Bài báo dẫn các nguồn tin cho hay ông Trump hỏi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc có thể tấn công Moscow nếu được Mỹ cung cấp những vũ khí tầm xa hay không. Ông Trump ngày 14.7 dọa áp thuế 100% đối với những nước mua hàng của Nga, nếu Nga chưa đạt một thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Nhà lãnh đạo sau đó cho biết ông chưa điện đàm với ông Putin kể từ khi ra tối hậu thư trên, nhưng nói thêm rằng có thể không cần đến 50 ngày để đạt thỏa thuận. Liên quan khả năng áp thuế theo tuyên bố của ông Trump, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cảnh báo rằng các nước như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng nặng nếu tiếp tục làm ăn với Nga.
Trong khi đó, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay Tổng thống Putin không nao núng trước những lời đe dọa trên và dự định tiếp tục chiến dịch ở Ukraine cho đến khi phương Tây chấp nhận đàm phán hòa bình theo các điều kiện của ông. Thậm chí, các điều kiện về lãnh thổ của ông có thể sẽ mở rộng khi lực lượng Nga tiến sâu hơn.