Phớt lờ EU, 2 quốc gia châu Âu vẫn ‘trung thành’ với năng lượng Nga, cùng xây đường ống mới để nhập 5 triệu tấn dầu Nga/năm

Đây là lần đầu tiên Nga công khai vai trò trong dự án đường ống dẫn dầu từ Hungary tới Serbia.
Hungary, Serbia và Nga vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm thúc đẩy kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu Nga từ Hungary sang Serbia, Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Hungary Peter Szijjarto cho biết.
Cuộc họp trực tuyến vừa qua có sự tham gia của Bộ trưởng Năng lượng Serbia Dubravka Dedovic-Handanovic, và Thứ trưởng Năng lượng thứ nhất của Nga, Pavel Sorokin.
Đường ống có công suất vận chuyển ước tính lên tới 5 triệu tấn dầu mỗi năm, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2027 nếu quá trình đầu tư và xây dựng diễn ra suôn sẻ. Dự án sẽ bao gồm 180 km đường ống mới trên lãnh thổ Hungary và 120 km trên lãnh thổ Serbia, cùng một trạm đo lưu lượng đặt tại khu vực biên giới giữa hai nước.
Đây là lần đầu tiên vai trò của Nga được công bố công khai trong dự án này, dù Hungary và Serbia đã bắt đầu thảo luận từ năm ngoái.
Dự án được triển khai bởi Tập đoàn dầu khí MOL (Hungary) và Công ty Transnafta (Serbia), với tổng vốn đầu tư khoảng 320 triệu euro trong vòng 3 năm, Chính phủ Hungary công bố hồi tháng 2. Tuyến đường ống sẽ nối từ nhà máy lọc dầu Százhalombatta – cơ sở lọc dầu lớn nhất Hungary – tới thị trấn Algyo ở miền nam Hungary, sau đó kéo dài tới thành phố Novi Sad (Serbi).
Nhà máy Százhalombatta hiện chủ yếu sử dụng dầu thô từ Nga được vận chuyển qua nhánh phía nam của hệ thống đường ống Druzhba. Đây là đường ống chiến lược đã nhiều lần bị gián đoạn do xung đột Nga-Ukraine.
Với đường ống mới, Hungary không chỉ tiếp tục đảm bảo nguồn cung dầu Nga trong nước mà còn trở thành quốc gia trung chuyển dầu cho khu vực Balkan, qua đó gia tăng vai trò địa chính trị trong khu vực. Về phía Serbia, đường ống mới sẽ giúp nước này đa dạng hóa nguồn cung ứng dầu, giảm phụ thuộc vào các tuyến vận chuyển qua Ukraine và Croatia – nơi chi phí trung chuyển đang tăng cao.
Dự án đường ống dầu Hungary–Serbia không chỉ là một bước đi kinh tế mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Trong khi đó, một số quốc gia Trung – Đông Âu vẫn “trung thành” với dầu khí Nga nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.
Việc Nga xuất hiện trong dự án cho thấy Moscow đang tìm cách bảo vệ thị phần dầu mỏ tại châu Âu, nhất là tại những quốc gia vẫn duy trì hợp tác năng lượng với Nga bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tham khảo: Tass