Phó thủ tướng đề xuất định hướng hợp tác giữa ASEAN và các đối tác

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các nước ASEAN và đối tác đề xuất định hướng hợp tác trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, thách thức.
Ngày 11-7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với Anh và Liên minh châu Âu (EU), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15.
Các hội nghị diễn ra trong khuôn khổ tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tham dự các hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các nước ASEAN và đối tác nhìn lại và đề xuất định hướng hợp tác trong bối cảnh khu vực và thế giới đang trải qua nhiều biến động và thách thức.
Phó thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm và bền vững, củng cố chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng xanh và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông nhấn mạnh hiện nay là thời điểm thích hợp để xem xét lại đề xuất về Hiệp định thương mại tự do toàn diện ASEAN - EU, đề nghị các nước thành viên EU còn lại sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Ông đánh giá cao các chương trình trao đổi giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ các đối tác như Anh và EU, khuyến khích kết nối giữa các trung tâm nghiên cứu và mạng lưới chuyên gia của ASEAN với các đối tác, ủng hộ việc tăng cường hợp tác y tế và ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Tại các hội nghị, Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực như Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên.
Việt Nam đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ lập trường nguyên tắc và nỗ lực của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.