Nhảy đến nội dung
 

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán: “Nâng hạng thị trường không phải là đích đến cuối cùng”

Trong ASEAN, thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ với 25 năm, Philippines 100 năm, Malaysia 65 năm, Thái Lan khoảng 50 năm… Tuy nhiên, nếu so sánh, thời điểm này, về vốn hoá, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương Malaysia, ít hơn Thái Lan một chút và vượt Philippines.

Tại Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính- Đầu tư tổ chức, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thị trường chứng khoán đã trải qua một phần tư thế kỷ phát triển. Nhìn lại từ những ngày đầu, chúng ta mới thấy được sự phát triển của thị trường. “Dưới góc độ của những người đồng hành, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Từ chỗ chỉ có 2 - 3 doanh nghiệp niêm yết trong buổi đầu, đến nay, thị trường chứng khoán đã có hàng trăm doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá tỷ đô”, ông Hải nói.

Trong ASEAN, thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ, Philippines 100 năm, Malaysia 65 năm, Thái Lan khoảng 50 năm… Tuy nhiên, nếu so sánh, chúng ta rất tự hào vì thời điểm này, về vốn hoá, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương Malaysia, ít hơn Thái Lan một chút và vượt Philippines. Tuần vừa qua, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thậm chí vượt qua Thái Lan.

Để chuẩn bị cho việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, ông Hải cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán. Cơ quan quản lý đã tháo gỡ nhiều rào cản, điểm nghẽn của thị trường. Đến nay, các tiêu chí cứng để nâng hạng lên thị trường mới nổi đã đáp ứng được, với các tiêu chí mềm thì còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tu nước ngoài.

“ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã duy trì trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư… Tuần nào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng gặp gỡ nhà đầu tư quốc tế đến chia sẻ trải nghiệm ở Việt Nam. Trong quá trình trao đổi, họ thể hiện thái độ tích cực, đánh giá cao khuôn khổ pháp lý và mức độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBCKNN nói.

Tín hiệu tích cực nữa, theo ông Hải là từ cuộc gặp FTSE Russell với Thủ tướng Chính phủ, UBCK đề cập nhiều lần về mong mỏi nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là đích đến, mà mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính là cải cách thị trường để làm sao thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, phát triển, giúp nhà đầu tư huy động vốn dễ dàng.

“Dù mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán có đạt được trong tháng tháng 9 tới hay không thì những cải cách vừa qua và quyết tâm cải cách tiếp theo sẽ khiến thị trường và các nhà đầu tư hưởng lợi. Chúng tôi khẳng định, nâng hạng không phải là đích cuối cùng, mà mục đích cuối cùng là nâng tầm thị trường chứng khoán, để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, ổn định, vận hành hiệu quả, nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho mình”, ông Hải khẳng định.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, HOSE trải qua chặng đường 25 năm thành lập và phát triển. Dấu ấn từ những ngày đầu tiên, khi chỉ có 2 cổ phiếu, tới dấu ấn năm 2006 khi gia nhập WTO đạt được những cú huých đầu tiên, sau đó thăng trầm từ khủng hoảng tài chính 2008, thị trường đi ngang trong thời gian dài, thời kỳ Covid – bùng nổ giao dịch trực tuyến, làm nền tảng cho sự bứt phá ngày hôm nay.

Dấu ấn 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, gắn với sự phát triển của nền kinh tế, gắn với sự kiện trọng đại của đất nước, với những thay đổi chính sách.

“Chặng đường sắp tới, có những nền tảng để mong chờ thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, có chính sách rõ và thống nhất để tạo đà phát triển cho doanh nghiệp tư nhân. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng Bộ Tài chính, các thành viên thị trường đang xây dựng nền tảng tiếp theo của thị trường, nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến thủ tục, gắn IPO với niêm yết… Những điều này đáng mong chờ cho giai đoạn tiếp theo”, bà Đào nói.

Cũng theo bà Đào, trên HOSE đã có 390 doanh nghiệp niêm yết, với vốn hóa hơn 3 triệu tỷ đồng, mỗi ngành nghề đều có những doanh nghiệp đứng đầu ngành, là đại biểu cho cả nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài mang lại hiệu quả cho thị trường và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSIAM cho biết, khi nâng hạng thị trường chứng khoán thành công lên thị trường mới nổi, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động qua các quỹ ETF. “Nhưng, giai đoạn đầu, dòng vốn này sẽ không quá lớn, khoảng 1 - 2 tỷ USD. Dòng vốn thông qua các quỹ đầu tư hoàn toàn có thể ở mức 5 - 10 tỷ USD. Việc họ lựa chọn là hoàn toàn chủ động. Để tiếp cận được các quỹ này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng bộ về công bố thông tin, thực hành ESG…”, ông Dũng nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn