Nhảy đến nội dung
 

Phổ cập giáo dục cho trẻ 3-5 tuổi: Đầu tư cho tương lai bền vững

VN đang bước sang một chặng đường mới trong phát triển giáo dục khi đặt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi vào năm 2030, với kinh phí dự kiến lên tới 116.314 tỉ đồng.

Đây không chỉ là một nỗ lực giáo dục đơn thuần mà còn là minh chứng rõ ràng cho chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào con người - động lực cốt lõi của phát triển bền vững.

ĐẦU TƯ CHO LỚP THANH - THIẾU NIÊN CỦA THẾ HỆ MỚI

Từ lâu, giáo dục mầm non đã được các chuyên gia trên thế giới đánh giá là "giai đoạn vàng" cho sự phát triển của trẻ. Giai đoạn 3-5 tuổi là thời điểm não bộ phát triển nhanh nhất, trẻ tiếp thu ngôn ngữ, hình thành kỹ năng, cảm xúc xã hội và các thói quen nền tảng. Việc được tiếp cận với môi trường học tập sớm giúp trẻ phát triển toàn diện và tạo tiền đề vững chắc cho việc học ở các cấp tiếp theo.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hướng tới năm 2045, dấu mốc trọng đại kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta đặt ra mục tiêu chiến lược là phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao. Khoảng thời gian từ 2025 đến 2045 chỉ còn đúng 20 năm. Những em bé được sinh ra trong quãng thời gian này sẽ là lớp thanh - thiếu niên của thế hệ mới, là chủ nhân tương lai của đất nước VN phát triển hưng thịnh. Để hướng tới năm 2045 với tầm nhìn về một VN phát triển toàn diện, việc định hướng phát triển con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành ưu tiên chiến lược.

Về phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, VN đã đạt được những kết quả tích cực. Đến năm 2025, cả nước có 100% đơn vị cấp tỉnh, 99,9% đơn vị cấp huyện và 99,95% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Từ thực tiễn này, việc mở rộng phổ cập xuống nhóm trẻ 3-4 tuổi là bước đi tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển con người toàn diện.

Việc dành khoảng 116.314 tỉ đồng cho chương trình phổ cập mẫu giáo 3-5 tuổi đến năm 2030 là một cam kết rõ ràng của nhà nước đối với sự nghiệp trồng người. Khoản kinh phí này sẽ được sử dụng để xây dựng trường lớp, đào tạo và hỗ trợ giáo viên, hỗ trợ học phí và bữa ăn cho trẻ - đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, nơi trẻ em còn nhiều thiệt thòi.

Đây không chỉ là đầu tư cho giáo dục mà còn là đầu tư cho tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Trẻ em được chăm sóc, phụ huynh, đặc biệt là phụ nữ, yên tâm làm việc, từ đó tăng năng suất lao động và giảm bất bình đẳng giới trong thị trường lao động.

CƠ HỘI LỚN NHƯNG KHÔNG ÍT THÁCH THỨC

Chương trình PCGD mầm non cho trẻ 3-5 tuổi mở ra nhiều cơ hội quan trọng: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ gốc, thu hẹp khoảng cách vùng miền, tăng cường công bằng xã hội và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng, gia đình và nhà trường cùng chung tay tạo nên môi trường học tập lành mạnh và yêu thương cho trẻ nhỏ. Việc PCGD này được triển khai trong bối cảnh thuận lợi là nhà nước miễn học phí cho toàn bộ HS mầm non công lập và hỗ trợ học phí HS mầm non ngoài công lập.

Tuy nhiên, thách thức cho sự nghiệp này là không nhỏ. Hệ thống trường lớp ở nhiều nơi còn thiếu thốn, trường mầm non có nhiều điểm lẻ, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng. Tình trạng quá tải ở các trường công lập tại đô thị, trong khi nhiều trường tư lại có học phí cao, gây khó khăn cho phụ huynh. Ở một số khu công nghiệp còn thiếu trường mầm non cho con em công nhân…

Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa điều kiện còn nhiều khó khăn. Trường học thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức hạn chế của phụ huynh và nhiều trẻ chưa có giấy khai sinh, một số trẻ dân tộc thiểu số còn gặp trở ngại về ngôn ngữ khi đến trường. Giáo viên mầm non chịu áp lực lớn nhưng thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ còn bất cập…

Ngoài ra, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, quá trình PCGD mầm non dễ bị biến tướng, chạy theo thành tích, chú trọng số lượng mà bỏ qua chất lượng; vấn đề tiêu cực, lãng phí sẽ xảy ra trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, nhất là những trường bán trú được nhà nước hỗ trợ kinh phí ăn, ở.


GIẢI PHÁP ĐỂ PHỔ CẬP THỰC CHẤT, BỀN VỮNG

Để chương trình PCGD mầm non cho trẻ 3-5 tuổi đạt hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Xây dựng lộ trình linh hoạt theo đặc điểm từng địa phương, ưu tiên vùng khó khăn, tránh dàn trải. Đầu tư đúng trọng tâm vào xây dựng trường lớp, trang thiết bị học tập, nhất là tại vùng nông thôn, miền núi. Các đô thị lớn, các địa phương có KT-XH phát triển tăng cường xã hội hóa trong việc mở trường mầm non tư thục, trường mầm non chất lượng cao, trường mầm non quốc tế.

Cần đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên mầm non - lực lượng giữ vai trò then chốt của thành công.

Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục sớm; hỗ trợ làm giấy khai sinh cho học sinh, xác định việc phổ cập cần triển khai linh hoạt, phù hợp từng vùng, không nóng vội.

Cần giám sát chất lượng chặt chẽ, tránh phổ cập hình thức, bảo đảm mọi trẻ em đều được học trong môi trường an toàn, yêu thương và phát triển đúng chuẩn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phổ cập và hỗ trợ giáo dục trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện hiện nay.

PCGD mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi là bước đi lớn, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, sự quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội. Trong bối cảnh VN đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc đặt trọng tâm vào giáo dục sớm không chỉ là đầu tư cho trẻ em hôm nay, mà là đầu tư cho một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững trong tương lai.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn