Phát hiện vụ hợp nhất lớn nhất của các hố đen

Các nhà khoa học đã phát hiện những gợn sóng trong không – thời gian xuất phát từ cuộc sáp nhập dữ dội của hai hố đen khổng lồ ở rìa bên kia của Dải Ngân hà.
Hai hố đen, có khối lượng lớn gấp hơn 100 lần so với mặt trời, bắt đầu xoay quanh nhau trong khoảng thời gian dài trước khi cuối cùng cuộn vào nhau để hình thành một hố đen thậm chí còn lớn hơn nữa cách trái đất khoảng 10 tỉ năm ánh sáng, theo tờ The Guardian hôm 14.7.
Sự kiện trên đến nay là vụ sáp nhập lớn nhất của các hố đen từng được ghi nhận nhờ vào thiết bị phát hiện sóng trọng lực, và buộc các nhà vật lý học phải suy nghĩ lại mô hình về sự hình thành của các vật thể khổng lồ của vũ trụ.
Tín hiệu được ghi nhận khi những gợn sóng trong không – thời gian vượt qua khoảng cách hàng tỉ năm để đến được trái đất hôm 23.11.2023. Các thiết bị của Đài thiên văn Sóng hấp dẫn bằng Giao thoa kế laser (LIGO) ở Mỹ đã bắt được tín hiệu yếu ớt nhưng xuất phát từ sự kiện bạo lực nhất của vũ trụ.
Giáo sư Mark Hannam, Giám đốc Viện Thám hiểm Lực hấp dẫn tại Đại học Cardiff (Anh), cho biết gợn sóng của không – thời gian khiến các thiết bị dò tìm phản ứng trong khoảng 1/10 của giây.
Kết quả phân tích cho thấy các hố đen đang va chạm có khối lượng gấp từ 103 đến 137 lần mặt trời và xoay nhanh gấp khoảng 400.000 lần so với địa cầu, tức chạm gần giới hạn lý thuyết của vật thể. Siêu hố đen đang tượng hình nặng gấp 265 lần so với mặt trời.
Từ trước đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 300 sự kiện hợp nhất của hố đen dựa vào sóng hấp dẫn xuất phát trong quá trình diễn ra.