Nuôi sống bé sinh non nặng 550 gram

Ngày 23/7, bé đã khỏe mạnh, tự thở, tự bú tốt và được xuất viện trong niềm vui của gia đình và đội ngũ y bác sĩ.
Chào đời vào giữa tháng 4, bé gái không khóc, toàn thân tím tái và phản xạ gần như không có. Nhận định đây là ca sơ sinh cực non tháng với thể trạng non yếu, các bác sĩ khoa Sơ sinh đã cấp cứu ngay tại phòng sinh, đặt nội khí quản, hỗ trợ thông khí trước khi chuyển đến đơn vị Hồi sức tích cực.
"Cẳng chân của bé chỉ nhỏ bằng ngón tay út người lớn, da mỏng manh, tiềm ẩn vô số nguy cơ như suy hô hấp, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử", bác sĩ Nguyễn Đức Hậu, Trưởng khoa Sơ sinh, chia sẻ.
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, một phác đồ điều trị đặc biệt được triển khai như cho bé nằm lồng ấp, thở máy, bơm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi (Surfactant), đồng thời đặt các đường truyền trung tâm để theo dõi và nuôi dưỡng.
Những ngày đầu là một cuộc chiến cam go khi bé liên tục tím tái, giảm nhịp tim, rối loạn đường huyết. Đội ngũ y tế phải cân nhắc từng mililit dịch nuôi dưỡng, theo dõi sát sao từng thay đổi nhỏ nhất để điều chỉnh phác đồ kịp thời, ông Hậu cho hay.
Sau 5 ngày, tình trạng hô hấp của bé dần cải thiện. Đến tuần thứ ba, bé bắt đầu tăng cân, có nhịp tự thở và được thử những giọt sữa mẹ đầu tiên.
Sau 80 ngày, bé đã cai được máy thở, chuyển sang thở oxy và đạt cân nặng 1,7 kg. Lúc này, bé được đoàn tụ với mẹ, bắt đầu tập bú và được ấp Kangaroo theo phương pháp da kề da, một liệu pháp quan trọng giúp ổn định nhịp tim, phát triển não bộ và tăng cường đề kháng.
Ngày xuất viện, cân nặng của bé đã đạt 2 kg. "Chúng tôi xác định đây là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận tuyệt đối", bác sĩ Hậu nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 90% trẻ sinh cực non (dưới 28 tuần) ở các nước thu nhập thấp tử vong trong vài ngày đầu đời do thiếu các phương pháp chăm sóc thiết yếu như giữ ấm, hỗ trợ cho bú và chăm sóc hô hấp cơ bản
Để giảm thiểu nguy cơ sinh non và những rủi ro do sinh non, các bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ cần được chăm sóc thai kỳ cẩn thận, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, huyết áp và các bệnh lý khác, tránh để ảnh hưởng tới thai nhi.
Lê Nga