Nhảy đến nội dung
 

Nở rộ mô hình quán cà phê kết hợp trạm sạc xe điện

Quán có không gian rộng 160 m2 với khoảng 40 võng cho khách ngả lưng hoặc ngủ trưa. Giá dịch vụ khá bình dân, sạc xe 8.000 - 16.000 đồng và nước giải khát dao động 17.000 - 20.000 đồng, mì gói 5.000 đồng. Các dịch vụ nằm võng, sạc điện thoại, tắm và vệ sinh miễn phí.

Đây là nơi dừng chân quen thuộc mỗi buổi trưa của ông Bảo từ hơn tháng nay. Người đàn ông nhà ở Bình Dương, ngày ngày lên TP HCM chạy xe ôm công nghệ. Cách đây ba tháng, ông chuyển sang xe điện nên thường phải ghé nhà người quen sạc nhờ hoặc tìm quán cà phê nào cho thuê ổ điện với phí khoảng 20.000 đồng. Nhưng kiếm được nơi nào cũng cho sạc cũng không phải dễ.

Giữa tháng 6, ông phát hiện có mô hình quán cà phê kiêm trạm sạc xe điện nên ghé thử. "Nó phù hợp với thu nhập của tài xế công nghệ", ông nói. "Tôi cũng không còn phải chạy lòng vòng để tìm ổ sạc".

Trưa 22/7, cạnh ông Bảo có khoảng 20 tài xế và người giao hàng cùng nghỉ trưa. Khu vực sạc chứa tối đa 26 xe, mỗi lần sạc đầy mất ba tiếng, họ luân phiên sử dụng và nằm võng nghỉ ngơi.

Những tài xế chọn quán cà phê kết hợp trạm sạc như ông Bảo ngày càng nhiều. Khảo sát của VnExpress ở TP HCM cho thấy mô hình này xuất hiện từ giữa năm 2024 và nở rộ vài tháng gần đây. Hiện ở TP HCM có khoảng gần 20 quán, tập trung ở các phường Bình Trị Đông A, An Nhơn, Bình Thạnh, Phú Định, xã Bình Hưng, Bình Chánh.

Mô hình này chủ yếu phục vụ tài xế và người giao hàng, cung cấp nơi sạc xe, chỗ nghỉ, phòng tắm, nhà vệ sinh, một số nơi kèm theo dịch vụ sửa chữa và bảo trì xe máy điện.

Anh Trần Anh Thành, 30 tuổi, người sáng lập chuỗi cà phê - trạm sạc 3T ở TP HCM, cho biết mô hình ra đời từ nhu cầu thực tế của người dùng. Tháng 4/2024, anh mở trạm đầu tiên, đón 70-100 lượt khách mỗi ngày. Sau 14 tháng, anh mở thêm bốn trạm, lượng khách tăng 30-40% và chuẩn bị khai trương cơ sở thứ 5.

Tùy thuộc vào diện tích của quán, mỗi điểm có khoảng 15-20 chỗ sạc nên các tài xế luân phiên sử dụng, tự phục vụ. Ngoài ra, quán còn cung cấp gói dịch vụ tháng giá 650.000 đồng, gồm giữ xe và sạc qua đêm. Sắp tới, đơn vị triển khai thêm dịch vụ sạc và giao nhận xe tận nhà, bán kính 7 km.

Phần lớn khách chọn đến trạm vì nguồn điện và cơ sở vật chất ở nhà trọ không đủ đáp ứng. Các trạm 3T của anh Thành đều có kỹ thuật viên hỗ trợ, lắp hệ thống trạm điện, phòng cháy chữa cháy, xử lí tình huống khẩn cấp.

Theo anh, TP HCM đang chuẩn bị hoàn thiện kế hoạch tổng thể chuyển toàn bộ xe máy của 400.000 tài xế công nghệ sang xe điện nên nhu cầu sẽ tăng hơn nữa.

Thành phố hiện là nơi tập trung nhiều nền tảng gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn và chuyển phát bằng xe hai bánh. Hiện, Xanh SM sử dụng hoàn toàn xe điện, các nền tảng còn lại để tài xế tự lựa chọn giữa xe xăng hoặc điện.

Ông Trần Trung Hiếu, giám đốc Học viện đào tạo kinh doanh và quản lý F&B Academy, cho biết mô hình kết hợp trạm sạc với quán cà phê là cách tích hợp dịch vụ F&B với nhu cầu thực tế, thường gặp trong ngành.

Ông nhận định mô hình phù hợp với xu hướng sắp tới, khi khách có thể sử dụng dịch vụ trong lúc chờ sạc xe hai, ba tiếng. Tùy vào định hướng giá trị, mỗi quán sẽ triển khai hình thức khác nhau bên cạnh việc cung cấp trạm sạc. Trong bối cảnh đô thị thúc đẩy sử dụng xe điện, mô hình này tăng tính tiện dụng và giảm nỗi lo hết pin khi đang di chuyển.

Chuyên gia cho rằng mô hình này có thể có lợi thế trong vài năm tới nhờ đáp ứng đúng xu hướng và nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, độ bền vững còn tùy thuộc vào hành vi người dùng, liệu việc sạc xe có trở thành thói quen như mua cà phê hay không và thị trường xe điện sẽ phát triển theo hướng nào.

"Làm F&B thì trạm sạc chỉ hỗ trợ thêm, còn nếu kinh doanh trạm sạc, F&B là tiện ích đi kèm. Mỗi mô hình cần cách tính riêng", ông Hiếu nói.

Mô hình "trạm sạc ở mọi nơi" đang rất thành công ở Trung Quốc và giúp nhiều thành phố chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Ví dụ, ở thành phố Thành Đô có mạng lưới trạm sạc nhỏ, tập trung xung quanh các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa hoặc tiệm sửa xe máy điện giúp hàng chục nghìn xe đạp điện và xe máy điện ở Thành Đô luôn đủ năng lượng để hoạt động. Các trạm sạc này cũng góp phần thu hút thêm khách mua cho các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa.

Vân Anh, 34 tuổi, một tài xế công nghệ cho biết mô hình này phù hợp với tài xế nữ. Mỗi ngày, cô chạy 12-14 tiếng, nhiều ngày kiệt sức nên cần nơi dừng chân giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều quán cà phê hạn chế ngồi lâu. Tuần 6 lần, cô đến một trạm sạc ở Quốc lộ 13, TP Thủ Đức để nghỉ ngơi, thay đồ, chuẩn bị vào ca chạy đêm.

"Nhờ có những quán cà phê trạm sạc này mà tôi cảm thấy yên tâm hơn", Vân Anh nói.

Ngọc Ngân

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn