Niềm vui của Conan, nỗi buồn của hoạt hình Việt

Chỉ trong 2 tháng, đã có 3 phim hoạt hình Việt Nam ra rạp, tự tin đối đầu với đối thủ quốc tế. Nhưng đáng tiếc ngoại trừ "Dế Mèn", hai cái tên còn lại chưa đạt thành tích khả quan.

Nếu những năm trước, việc phim hoạt hình Việt chen chân vào thị trường hè là chuyện "xa xỉ", thì năm nay, bất ngờ xảy ra khi chỉ trong 2 tháng, 3 dự án nội địa nối đuôi trình làng. Sự tự tin của hoạt hình Việt khi mặt đối mặt với những đối thủ sừng sỏ là có cơ sở. Giới chuyên môn nhận định chất lượng phim nước nhà đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với hoạt hình quốc tế.
Nhưng thực tế, nghịch lý là thành tích phòng vé của hai bên lại có sự chênh lệch đáng kể. Câu hỏi đặt ra là giữa thời điểm rạp chiếu dịp hè chứng kiến phim ngoại tận sức "hốt bạc", thì hoạt hình nội địa còn đang loay hoay ở đâu?
Hoạt hình quốc tế "hốt bạc" ở rạp Việt
Trung tuần tháng 5, Doraemon: Nobita và cuộc phiêu lưu vào thế giới trong tranh tung ra các suất chiếu sneakshow. Bộ phim về chú mèo máy thông minh nhanh chóng hâm nóng rạp Việt, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ và thu về 30 tỷ đồng. Bước sang tuần chiếu chính thức, phim "hẫng" một nhịp khi rạp chiếu tạm đóng cửa, khiến thành tích tác phẩm hụt hơi so với phần phim ra mắt cùng kỳ 2024. Dẫu vậy, Doraemon sau đó vẫn trở lại đường đua mạnh mẽ. Bom tấn xứ Phù Tang vẫn càn quét phòng vé với tỷ lệ suất chiếu lẫn tốc độ kiếm tiền không có đối thủ. Tới hiện tại, sau hơn 2 tháng chiếu, tổng doanh thu Doraemon đã chạm mốc 169 tỷ đồng.Khi "cơn sốt mèo ú" lắng xuống chưa được bao lâu, rạp chiếu tiếp tục chứng kiến màn ra mắt bùng nổ của Conan: Dư ảnh của độc nhãn. Lại một lần nữa, hoạt hình Nhật Bản chứng minh vị thế khó ai bì kịp ở rạp Việt. Chỉ mới mở bán suất chiếu đặc biệt trong 2 ngày (19-20/7), bộ phim về chàng thám tử lừng danh thu hút lượng vé đặt trước kỷ lục, dắt túi khoảng 40 tỷ đồngChính thức công chiếu từ 25/7, Conan nhanh chóng giành lấy ngôi vương trên bảng tổng sắp doanh thu. Tốc độ kiếm tiền của tác phẩm tỏ ra áp đảo dàn đối thủ cạnh tranh. Tính đến chiều 25/7, tổng doanh thu phim theo ghi nhận đã là 65 tỷ đồng - con số mà bất cứ bộ phim nào cũng phải ao ước. Với tốc độ này, Conan thu trăm tỷ là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra. Conan tiếp nối cơn sốt Doraemon ngoài rạp. Trước hai bom tấn tới từ Nhật Bản, hoạt hình nội địa cũng đang nỗ lực chứng minh những bước tiến đầy tự tin. Lần đầu tiên trong lịch sử, 3 dự án hoạt hình Việt trình làng chỉ trong 2 tháng, đối đầu trực diện các đối thủ tầm cỡ từ quốc tế. Phát súng đầu tiên là Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội. Khởi chiếu từ đầu mùa hè, tác phẩm gây chú ý khi lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Tô Hoài. Nhận về phản hồi tích cực từ phía khán giả nhí, đứa con tinh thần của đạo diễn Mai Phương có những bước tiến khả quan ngoài phòng vé. Kết thúc hành trình, Dế Mèn mang về 21 tỷ đồng. Con số này thực tế còn khiêm tốn khi đặt lên bàn cân với Conan hay Doraemon, song lại là tín hiệu khởi sắc cho hoạt hình nước nhà. Bởi trước đó, chưa từng có phim hoạt hình Việt nào chạm tay tới cột mốc doanh thu này.Sau thành công của Dế Mèn, hai quân bài Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu và Wolfoo & Cuộc đua Tam Giới cũng lần lượt được tung ra. Nhưng đáng tiếc, bộ đôi lại chưa đạt thành tích cao như kỳ vọng. Trạng Quỳnh nhí chỉ kịp dắt túi 3,2 tỷ đồng. Trong khi Wolfoo - hiện là phim hoạt hình Việt duy nhất còn trụ rạp - đang chật vật trước cột mốc doanh thu 3 tỷ. Cục trưởng Điện ảnh chỉ 'điểm nghẽn' của hoạt hình ViệtThành tích hụt hơi của Trạng Quỳnh nhí và Wolfoo gây tiếc nuối, bởi cả hai đều được mong chờ sẽ tạo nên những cú hích tiếp theo cho hoạt hình nội địa, sau Dế Mèn. Tạm gác lại câu chuyện về doanh số, điều dễ nhận thấy là cả 3 dự án của Việt Nam năm nay đều tiến bộ về chất lượng, từ hình ảnh tới kịch bản. Dường như các nhà làm phim Việt, sau một thời gian khá dài loay hoay, đã bắt trúng "long mạch" khi tìm ra cách thu hút khán giả nội địa bằng những câu chuyện in đậm cảm hứng dân gian, hoặc mang chất liệu văn hóa dân tộc đặc sắc.Điểm cộng của cả 3 tác phẩm trên là hình ảnh bắt mắt, được đầu tư chỉn chu hơn hẳn các dự án trình làng trước đây. Phần hoạt họa nhìn chung mượt mà, thiết kế nhân vật, bối cảnh cũng sinh động và phong phú hơn, chiều chuộng trải nghiệm của thượng đế màn bạc. Kịch bản của hoạt hình nội địa cũng được chăm chút hơn, đặc biệt Wolfoo hay trước đó là Trạng Quỳnh nhí được giới chuyên môn đánh giá tích cực về nội dung, gỡ bỏ cái mác "hoạt hình chỉ để giải trí" mà thay vào đó mang đến nhiều thông điệp, bài học giá trị.Nhiều dự án có chất lượng khá tốt nhưng doanh thu chưa khả quan. Dẫu vậy, khi đặt lên bàn cân với những bom tấn quốc tế, hoạt hình Việt dù đang có cú chuyển mình mạnh mẽ vẫn bị bỏ lại khá xa về thành tích. Lý giải cho điều này, ngoài việc thua thiệt về tên tuổi thương hiệu, hoạt hình nước nhà cũng còn những hạn chế nhất định về yếu tố sản xuất, quảng bá, một phần do vấn đề về kinh phí. Những "điểm nghẽn" này tạo nên bài toán không dễ giải cho đội ngũ làm phim lẫn nhà phát hành.Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Đặng Trần Cường - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết hoạt hình Việt Nam còn thiếu nguồn lực tài chính và đầu tư dài hạn. Thực tế, làm một phim hoạt hình rất tốn kém, thời gian sản xuất dài. Một dự án bài bản có thể mất 2-3 năm, trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn còn e ngại vì rủi ro cao, lợi nhuận thấp, chưa có nhiều mô hình thành công để đặt niềm tin. Hạn chế khác là việc thiếu nhân sự chuyên sâu. Ngành đào tạo hoạt hình ở nước ta còn hạn chế. Các studio nhỏ phải tự đào tạo hoặc hợp tác với freelancer, dẫn đến thiếu sự ổn định và phát triển đội ngũ lâu dài. Sự thiếu hụt ở các khâu như kịch bản, thiết kế bối cảnh, diễn hoạt 3D... cũng khiến chất lượng tổng thể bị ảnh hưởng. Yếu tố quảng bá, truyền thông hạn chế cũng góp phần khiến hoạt hình nội địa "lép vế". Thông thường, phim ngoại thường đi kèm các sản phẩm phụ trợ như đồ chơi, game, sách, merchandise… giúp tăng doanh số và gắn bó lâu dài với khán giả. Trong khi tại Việt Nam hầu như chưa có những chiến lược đồng bộ này.Nhìn nhận về nguyên nhân hoạt hình nội địa khó chen chân vào thị trường hè, ông Đặng Trần Cường cho rằng những đối thủ như Doremon, Conan hay các phim của Disney không chỉ được đầu tư rất lớn, với kinh nghiệm và chất lượng rất cao, mà còn là những thương hiệu tên tuổi - đã được triển khai hàng chục năm và tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.Điều này giúp chúng thu hút sẵn một cộng đồng người xem trung thành, một tệp khách hàng ổn định, giúp mỗi lần ra rạp dễ tạo hiệu ứng tốt, khả năng thành công cao hơn nên được các rạp ưu tiên. "Sự ưu tiên thể hiện rõ ở số lượng suất chiếu khởi điểm rất cao, dao động từ 2.000 đến 4.000 suất trên toàn quốc. Hơn nữa, phim ra mắt định kỳ hàng năm, tạo thói quen và nhu cầu xem đều đặn cho khán giả. Trong khi đó, hoạt hình Việt vẫn ở giai đoạn sơ khai, cần từng bước chứng minh năng lực và sức hút với nhà rạp và người xem. Ngay cả dự án có hiệu ứng truyền thông tích cực như Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội, khi phát hành, số suất chiếu ban đầu chỉ được hệ thống rạp đặt ở mức khiêm tốn, khoảng 300 suất", ông Cường dẫn chứng. Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng điều này gây bất lợi rõ rệt khi phim Việt cạnh tranh trực tiếp với các phim quốc tế đang phủ rạp. Ngoài ra, niềm tin của khán giả với phim hoạt hình Việt vẫn còn thấp. Phần đông chưa có thói quen ưu tiên chọn xem hoạt hình nội địa, nên hiệu ứng lan tỏa ban đầu còn hạn chế. Hoạt hình Việt đang dần bắt kịp hoạt hình quốc tế về chất lượng nội dung. Theo ông Cường, khoảng cách về chất lượng giữa hoạt hình Việt Nam và thế giới đang được thu hẹp rõ rệt. Đây là thời cơ để bứt phá, giúp bức tranh hoạt hình nội địa có thêm nhiều điểm sáng trong thời gian tới: "Với hiện trạng thị trường điện ảnh Việt nam, các nhà sản xuất cần có tầm nhìn lớn hơn, sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mong chờ sự ủng hộ của khán giả Việt mà cần hướng tới thị trường quốc tế".Cục trưởng chia sẻ thêm: "Để thực hiện được điều đó thì sự hợp tác là yếu tố then chốt: Giữa các studio, giữa nhà sản xuất và nhà phát hành, và đặc biệt là giữa khu vực công - tư trong việc chia sẻ nguồn lực và định hướng phát triển dài hạn. Cục Điện ảnh sẽ đồng hành cùng các nhà làm phim hoạt hình, không chỉ trong việc hỗ trợ chính sách hay tổ chức liên hoan phim, mà còn đóng vai trò xúc tác: Kết nối giữa các đơn vị sản xuất trong nước, tìm kiếm đối tác quốc tế, đồng thời hỗ trợ để phim hoạt hình Việt được quảng bá và phân phối rộng rãi".Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.