Những trái tim trẻ ở Trường Sa: 'Có sức người, đảo bắt sóng vẽ hoa'

Tôi mượn một câu hát trong ca khúc 'Sức sống Trường Sa' của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn để lột tả tinh thần của những người vẫn ngày đêm canh giữ biển trời. Giữa cái nắng rát da của những ngày tháng 5, chúng tôi bắt gặp nụ cười rắn rỏi đầy lạc quan của người lính trẻ mang trong mình niềm tự hào tiếp bước cha ông.
Tại đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), tôi gặp trung úy Lê Bá Nam. Nam 28 tuổi, là chiến sĩ quân y, ngoài làm nhiệm vụ như bao anh em khác, Nam phụ trách thêm việc sơ cứu và điều trị cho anh em trên đảo và ngư dân.
Tháng 5.2025, dưới cái nắng gắt trên đảo Cô Lin, trung uý Lê Bá Nam tay cầm súng, ánh mắt hướng về biển xa...
Lời thề giữ biển....
Phía trước, chính là bãi Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma - cụm ba đảo đá như ba cạnh của một tam giác nổi lên giữa trùng khơi. Ngày 14.3.1988, hàng trăm viên đạn pháo đã bắn vào những con tàu, những người lính Hải quân Việt Nam ở Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin, làm 64 người hy sinh.
37 năm đã trôi qua... sóng biển có thể đã xóa nhòa mọi dấu vết. Nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm không tiếc máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lời thề giữ đảo của thế hệ cha ông, ngày nay hiện hữu trong ánh mắt và ý chí của những người lính trẻ, luôn xung kích, đi đầu, cống hiến sức mình giữ vững chủ quyền biên cương, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2021, trung uý Nam khi ấy vừa hoàn thành chương trình học ở Trường Cao đẳng Quân Y 1 (tại thủ đô Hà Nội), xung phong ra đảo Đá Đông (cũng thuộc quần đảo Trường Sa) công tác. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Đá Đông, tháng 7.2024, trung úy Nam nhận nhiệm vụ ở đảo Cô Lin.
"Không phải riêng mình đâu mà toàn bộ cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa luôn sẵn sàng, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng bảo vệ ngư dân trong mọi tình huống. Đời mình chỉ có một lần thanh xuân thôi. Thanh xuân là phải đi, thanh xuân là phải làm, thanh xuân là phải cống hiến, phải làm được những gì cho Tổ quốc, cho quê hương. Đó là một phần may mắn, vinh dự của mình khi có thể đóng góp một phần cho Tổ quốc và biển đảo quê hương", trung úy Lê Bá Nam nói với sự tự hào.
Phía sau những người chiến sĩ...
28 tuổi, trung uý Lê Bá Nam có một gia đình nhỏ. Tính từ lần trao đổi quân gần nhất, đã hơn 10 tháng anh xa gia đình. Cô con gái kể từ khi biết bập bẹ gọi cha, chỉ có thể nghe giọng và ghi nhớ hình ảnh của cha mình qua những lần gọi điện và… qua những tấm hình.
Phía sau mỗi chiến sĩ luôn có một gia đình. Sống giữa mênh mông biển nước, nỗi nhớ nhà thường trực là điều hiển nhiên. Nhưng cũng như trung úy Lê Bá Nam, các đồng đội khác ở các điểm đảo, ai cũng như ai, luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, vững vàng kiên trung bám biển.
Vững về quốc phòng, mạnh về kinh tế
Hành trình của chúng tôi còn đi qua Len Đao, Sinh Tồn, Đá Thị, Đá Tây A, Trường Sa và nhà giàn DK1/14. Mỗi điểm đảo, nhà giàn sẽ ít nhiều mang những diện mạo rất riêng. Nhưng điểm chung, dễ thấy nhất... chính là sức sống mãnh liệt luôn hiển hiện trên từng điểm đảo.
Tháng 6.2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139/2024 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết nhấn mạnh, bên cạnh vấn đề bảo vệ an ninh chủ quyền, phát triển kinh tế biển đảo quốc gia cũng cần được đẩy mạnh, nhằm biến quần đảo Trường Sa thành thành trì vững vàng, chắc về an ninh quốc phòng, mạnh về kinh tế.
Mà ở đó, trên từng điểm đảo, từng người dân, từng cán bộ chiến sĩ, luôn là cột mốc sống, vững vàng, tạo thành tấm khiên kiên cường nơi đầu sóng.
Hiện nay, ở huyện đảo đâu đâu cũng có trụ điện, tua-bin gió và những tấm pin năng lượng mặt trời, cơ bản bảo đảm nguồn điện cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày.
Nhờ tình yêu, lòng quyết tâm của quân, dân và sự chung sức của cả nước mà rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa biển khơi.
Thiên nhiên lúc ôn hòa, lúc khắc nghiệt... Mỗi bước chân qua trên đảo đều thấm mồ hôi và máu của nhiều thế hệ con người Việt Nam. Những câu chuyện về sức sống mãnh liệt trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai của biển đảo Trường Sa trong trái tim mỗi người luôn lấp lánh, sôi nổi như những ngọn sóng ở địa đầu thiêng liêng.