Nhảy đến nội dung
 

Những người già sống một mình nhưng không cô đơn

Bà Lim từng sống cùng bố trong căn hộ ở Serangoon cho đến khi ông mất năm 2003. Bà chưa từng kết hôn, không có con. 5 năm trước, khi sức khỏe yếu, bà chuyển sang căn hộ thân thiện với người cao tuổi, có tủ âm tường và tay vịn trong phòng tắm.

Người phụ nữ từng làm trong ngành may mặc, mỗi năm hai lần đi công tác nước ngoài. Khi đó, bà nghĩ nhịp sống khi về già sẽ chậm lại, nhưng đến nay lịch sinh hoạt vẫn kín. Bà tham gia lớp liệu pháp kinh mạch, may vá, khám phá drone, nhảy dây, Zumba và các lớp kéo giãn cơ.

"Tôi phải giữ mình bận rộn khi già đi", bà nói. Năm ngoái, bà bị đau tay và phải ngừng tập thể dục gần hai tháng và nhận thấy cơ bắp yếu rõ rệt.

Tuy nhiên, Lim vẫn chưa có ý định sống cùng ai trong số 9 anh chị em bởi họ đều có gia đình riêng. "Quan trọng là tôi không thấy cô đơn, thiếu thốn", bà nói. Hiện, bà đang điều trị huyết áp cao nhưng nhìn chung vẫn duy trì thể trạng ổn định.

Bà Lim Seng Whay, 77 tuổi, sống một mình từ năm 2016 sau khi con trai út cùng gia đình dọn ra khỏi căn hộ ba phòng ở Bukit Batok. Chồng bà qua đời đột ngột năm 2007 do đột quỵ.

Là mẹ của ba người con, bà cho biết cảm thấy như một "con bướm" khi có thể tự do tham gia các hoạt động ở khu phố. Mỗi sáng, bà tập thể dục, chiều gặp bạn bè hoặc làm tình nguyện hỗ trợ người cao tuổi khác trong cộng đồng. Ba người con trai cùng gia đình vẫn thường xuyên đến thăm. Bà duy trì mối quan hệ gắn bó với con cháu nhưng vẫn ưu tiên sự tự do trong sinh hoạt.

"Sống cùng con cái đôi khi bất tiện vì phải chăm cháu, nấu ăn và cảm thấy như đang làm nghĩa vụ", bà nói.

Singapore được dự báo bước vào giai đoạn siêu lão hóa từ năm 2026, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 20% dân số. Cùng với đó, số người cao tuổi sống một mình ngày càng tăng. Riêng số người sống một mình tăng hơn gấp đôi, từ 42.100 lên 87.200 người, theo báo cáo của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội công bố tháng 7.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không phải tất cả người già sống một mình đều cô đơn, nhiều người trong số họ chủ động lựa chọn hình thức này và vẫn duy trì cuộc sống tích cực.

Nghiên cứu của Đại học Y Duke-NUS cho thấy 34% người cao tuổi cảm thấy cô đơn. Trong đó, tỷ lệ ở nhóm sống một mình là 43%, còn nhóm sống cùng người khác là 33%. Những phát hiện này cho thấy trong tổng số người già sống một mình, có một bộ phận đáng kể như bà Lim, chủ động sống độc lập, không cảm thấy cô đơn.

"Tiến trình lão hóa thay đổi nên cách nhìn và phương pháp hỗ trợ người già cũng cần thay đổi theo", Phó giáo sư Angelique Chan, Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Lão hóa, Trường Y Duke-NUS, nói.

Bà cho rằng nhu cầu của người cao tuổi hiện nay khác với các thế hệ trước, các chính sách dành cho nhóm sinh trước 1950 có thể không còn phù hợp với thế hệ sinh từ 1950 đến 1959. "Họ muốn được chủ động hơn trong cách mình già đi", bà nói.

Ông Rajendran, 61 tuổi, sống một mình trong căn hộ thuê hai phòng ở Eunos.

Ông từng là nhân viên bệnh viện nhưng nghỉ việc từ năm 35 tuổi sau cú ngã gây tổn thương cột sống và ảnh hưởng đến não bộ. Chưa từng kết hôn, không con cái, ông hiện sống nhờ trợ cấp dài hạn của chính phủ.

Phần lớn thời gian, ông ở nhà nấu ăn, xem phim và tự kiểm soát các bệnh mãn tính như tim và gút. Cháu trai thỉnh thoảng ghé thăm, ăn cùng và ngủ lại. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc dọn đến sống chung, ông từ chối vì "nó có vợ và con, tôi không muốn phiền chúng".

Hai anh chị em của ông đã mất, người chị còn lại đang bệnh nặng. Ông cố gắng đến trung tâm lão hóa tuần vài lần. "Nếu ai thân thiện, tôi nói chuyện. Còn nếu họ không thích tôi thì không cần kết giao", ông nói. "Đó là nguyên tắc của tôi".

Vì vậy, thay vì mặc định người cao tuổi sống một mình là bất hạnh hay bị gia đình bỏ rơi, xã hội cần thay đổi cách nhìn. Sống một mình không nhất thiết đồng nghĩa với cô đơn, mà có thể là lựa chọn chủ động phản ánh nhu cầu tự do, kiểm soát thời gian và không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu.

Phó giáo sư Chan ở Đại học Công nghệ Nanyang nhấn mạnh rằng sống một mình và bị cô lập xã hội là hai khái niệm khác nhau. Người cao tuổi sống một mình nhưng có mạng lưới xã hội tốt vẫn có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

"Thay vì kỳ thị, điều quan trọng là khuyến khích họ xây dựng kết nối xã hội trong giai đoạn sau của cuộc đời", bà nói. "Đây mới là chìa khóa để họ sống tốt, sống chủ động và có phẩm giá khi già đi".

Ngọc Ngân (Theo CNA)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn