Những bài học gan ruột từ thất bại của thương hiệu Lam Khuê Design

Ngày cuối cùng tại cửa hàng (trước khi trả mặt bằng ở Hà Nội), tôi ngồi lại và viết ra những điều chưa từng dám nói. Đó là những tư duy sai lầm của người sáng lập dẫn đến sự thất bại của một thương hiệu.
Hương Phạm - sáng lập thương hiệu thời trang nữ Lam Khuê Design, nổi bật với những mẫu đầm xinh đẹp cùng các tà áo dài kỳ công - chia sẻ tâm tư khi chính thức rút sản phẩm và trả mặt bằng tại cửa hàng 28A Phố Huế (Hà Nội), sau thời gian dài gắn bó và tâm huyết khởi nghiệp.
Tuổi Trẻ Online trích đăng một phần tâm sự của chị, gửi gắm mong muốn giúp những người cũng đang rất nỗ lực gồng mình điều hành và giữ cho local brand (thương hiệu nội địa) tồn tại.
Không lười biếng hay kém cỏi, tôi vẫn thất bại
Một thương hiệu trong nước thất bại không phải vì người sáng lập không giỏi hay không chăm, mà bởi tư duy sai lầm cho dù đã làm việc rất nỗ lực. Tôi đã là một người lãnh đạo như thế.
Sai lầm mà tôi đã học được, đau đớn nhưng cần thiết. Ẩn sau chính là tư duy cố hữu có thể phá hủy doanh nghiệp và cả cuộc đời của chúng ta.
Sai lầm đầu tiên: Đổ lỗi "thị trường khó khăn" là nguyên nhân chính khiến kinh doanh suy giảm. Câu cửa miệng của tôi, đội ngũ và rất nhiều người trong năm qua đó là: "Thị trường khó khăn quá".
Tin rằng vấn đề chính là do ngoại cảnh, nên không thấy lý do để thay đổi chính mình. Vẫn phong cách thiết kế cũ, cách làm nội dung, vận hành cũ, trong khi tâm lý và hành vi khách hàng đã thay đổi.
Sai lầm này xuất phát từ tư duy đổ lỗi. Khiến ta dễ chấp nhận việc làm hết sức mà không hiệu quả, hay buông xuôi chờ đợi thị trường sẽ tốt lên.
Làm từ đam mê và bản năng, không định hướng thương hiệu rõ ràng và nhất quán. Nhiều người sáng lập bắt đầu thương hiệu của mình với niềm đam mê và quản trị bằng bản năng.
Tôi cũng vậy, tôi chưa thật sự nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ giá trị và triết lý thương hiệu một cách bài bản.
Khi thiếu nền tảng này, thương hiệu dễ bị cuốn theo trào lưu, hoặc chỉ loay hoay trong sự lặp lại, không tạo được sự khác biệt bền vững. Thiết kế đẹp, nhưng thiếu câu chuyện khiến khách hàng muốn đồng hành và ủng hộ lâu dài.
Không đặt mục tiêu rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được. Sai lầm này đến từ tư duy lãng mạn hóa sự cố gắng: "Hãy cứ làm hết mình thì tự khắc sẽ có kết quả", khiến tôi trì hoãn việc hoạch định, ngại thiết lập chỉ tiêu (KPI), và ngại đối mặt với những con số.
Tôi quá yêu sản phẩm, không tách bạch dòng tiền cùng nhiều nỗi sợ vô hình
Quá yêu sản phẩm, quên mất làm ra để phục vụ khách hàng. Tôi tin đây là một sai lầm phổ biến của nhiều người làm sáng tạo. Rất nhiều khách hàng từng nói với tôi như thế này: "Đẹp quá! Nhưng không biết mặc đi đâu".
Tôi đã vô tình biến những thiết kế thành "tác phẩm để ngắm", chứ không phải "đồ để sống cùng".
Coi nhẹ việc quản trị tài chính, không tách biệt tài chính doanh nghiệp và cá nhân. Ngay từ đầu, tôi đã không xây dựng hệ thống quản trị tài chính rõ ràng.
Doanh thu, chi phí theo dõi một cách sơ sài, thiếu báo cáo tài chính cụ thể, không lập kế hoạch dòng tiền, không đo lường lãi gộp hay lãi ròng trên từng sản phẩm...
Thấy tài khoản vẫn luôn có tiền, đủ để mua sắm nguyên vật liệu, đủ để trả lương là mình tưởng mình ổn. Mỗi khi thiếu tiền, tôi tìm cách xoay xở thêm, chứ không kiểm tra xem dòng tiền đang chảy lệch ở đâu.
Vì không tách bạch tài chính cá nhân - doanh nghiệp, nên không bao giờ có cái nhìn rõ ràng về hiệu quả thật sự của việc kinh doanh.
Không biết "nhân bản chính mình", không hiểu tầm quan trọng của đào tạo và nghiêm khắc với nhân sự. Khi mới khởi nghiệp, tôi làm mọi thứ một mình, đúng ý và đúng tiêu chuẩn của mình. Khi doanh nghiệp phát triển hơn, tôi không hiểu rằng, trao quyền và đào tạo chính là cách để lan tỏa, giúp doanh nghiệp phát triển.
Tệ hơn, tôi không hề nghiêm khắc với nhân sự, vì sợ họ tổn thương, nghỉ việc. Sợ sa thải vì thương, sợ bị đánh giá là khắt khe.
Nhưng đó là con đường nhanh nhất để người lãnh đạo kiệt sức và tạo ra một đội ngũ trung thành nhưng không trưởng thành.
Không xây dựng thương hiệu cá nhân, dù hiểu người sáng lập chính là kênh truyền thông mạnh. Các sai lầm ở trên từng do tôi không thật sự hiểu, nhưng riêng với sai lầm này tôi lại rất hiểu nhưng vẫn không làm.
Thị trường ngày nay không còn như cũ. Khách hàng không chỉ mua sản phẩm, họ mua niềm tin, câu chuyện, con người đứng sau thương hiệu.
Bây giờ tôi đã hiểu, nguyên nhân gốc rễ bởi tôi bị ám ảnh về "sự hoàn hảo". Tôi nghĩ phải chờ đến khi mình đủ giỏi, đủ tốt, đạt được kết quả rực rỡ thì mới chia sẻ. Tôi sợ mất hình ảnh, mà tôi lại quên mất rằng: sự kết nối sâu sắc không đến từ hoàn hảo, mà đến từ chân thật.